Đánh giá bài viết này:
2024.10.14
Thu nhập do công ty trả và lương về tay là hai thuật ngữ phổ biến, thường thấy trong các tin tuyển dụng, cũng như trong quá trình đàm phán lương giữa người chủ và người lao động.
Việc nắm được cách phân biệt hai hình thức nhận lương này và phương pháp tính lương về tay hàng tháng sẽ giúp người lao động đảm bảo quyền lợi, cũng như có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn. Cùng Mintoku Work tìm hiểu chi tiết trong bài viết này nhé!
Phân biệt thu nhập và lương về tay
Thu nhập (月収)là gì?
Thu nhập, hay lương gộp, là tổng thu nhập mà người lao động được nhận, bao gồm cả lương cơ bản, cùng các khoản phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng,… trước khi trừ thuế và các khoản tiền phí bảo hiểm bắt buộc (như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,…).
Số tiền tổng thu nhập thường được công ty đưa ra khi đàm phán về mức lương và có ghi rõ trong hợp đồng lao động, nhằm làm cơ sở để tính toán lương về tay.
Lương về tay là gì?
Lương về tay, hay lương ròng, là mức lương thực nhận sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn, sau khi trừ đi tất cả khoản phí bảo hiểm, thuế phải đóng. Đó là lý do lương về tay còn được gọi là thu nhập sau thuế.
Vì vậy:
Lương về tay = Tổng thu nhập – (Thuế thu nhập cá nhân + Bảo hiểm xã hội + Bảo hiểm y tế + Bảo hiểm thất nghiệp + Các khoản khấu trừ khác).
Cách quy đổi từ thu nhập sang lương về tay
Công thức quy đổi từ thu nhập sang lương về tay
Dựa vào hai khái niệm đã đề cập ở trên, có thể suy ra công thức quy đổi thu nhập sang lương về tay như sau:
Lương về tay = Tổng thu nhập – (Thuế thu nhập cá nhân + Bảo hiểm xã hội + Bảo hiểm y tế + Bảo hiểm thất nghiệp + Các khoản khấu trừ khác).
Ví dụ
Tham khảo ví dụ quy đổi từ thu nhập sang lương về tay ngay sau đây:
Thu nhập (Tổng thu nhập trước khi trừ thuế, bảo hiểm,…) | |
Lương cơ bản | 230.000 Yên |
Lương làm thêm giờ | 28.740 Yên (1.437 Yên × 25% × 16 giờ) |
Lương làm việc ca đêm | 4.311 Yên (1.437 Yên × 50% × 2 giờ) |
Phụ cấp chức vụ | 10.000 Yên |
Trợ cấp đi lại | 13.000 Yên |
Tổng cộng | 286.051 Yên |
Tổng số tiền khấu trừ (Các loại thuế + phí bảo hiểm) | |
Phí bảo hiểm y tế | 13.972 Yên (280.000 Yên × 9,98% ÷ 2) |
Phí Nenkin phúc lợi | 25.620 Yên (280.000 Yên × 18,3% ÷ 2) |
Phí bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng | 0 Yên |
Phí bảo hiểm thất nghiệp | 1.716 Yên (286.051 Yên × 0.6%) |
Thuế thu nhập | 5.890 Yên (Được tính dựa trên thu nhập chịu thuế là 231.743 Yên) |
Thuế cư trú | 5.000 Yên |
Tổng cộng | 52.198 Yên |
Lương về tay = thu nhập – Tổng số tiền khấu trừ | |
Lương về tay = 286.051 Yên – 52.198 Yên = 233.853 Yên |
Cách tính nhanh tiền lương mang về nhà
Sử dụng công cụ tính toán online
Hiện nay, có nhiều công cụ online hỗ trợ tính nhanh mức lương thực tế mang về nhà (lương về tay) của bạn, thông qua các thông tin bạn cung cấp.
Ví dụ, bạn truy cập công cụ tính lương tại đây. Chỉ cần cung cấp thông tin về:
- Địa chỉ công ty (会社の所在地)
- Tuổi của bạn (あなたの年齢)
- Số người phụ thuộc (扶養人数)
- Lương cơ bản (基本給)
- Lương tăng ca (残業代)
- Trợ cấp đi lại (通勤手当)
Hệ thống này sẽ tự động xác định được tỷ lệ đóng Nenkin phúc lợi, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc dài hạn (nếu có), bảo hiểm thất nghiệp,… của bạn và suy ra mức lương về tay của bạn.
Xem bảng lương
Một cách khác đơn giản hơn để biết được mức lương mang về nhà của bạn là xem phiếu lương mà công ty phát hàng tháng.
Trên đó thường liệt kê rõ từng mục, gồm: Số ngày làm việc/ngày nghỉ; Tổng số tiền công ty chi trả (lương cơ bản + phụ cấp + thưởng); Các khoản bị khấu trừ (Thuế + Bảo hiểm + Phí sinh hoạt).
Và mục cuối cùng trên bảng lương là số tiền lương về tay (差引支給額). Tham khảo bên dưới:
Tiền lương mang về nhà trung bình ở Nhật Bản
Theo thống kê tiền lương khu vực tư nhân năm 2022 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (厚生労働省), mức lương mang về nhà trung bình (theo độ tuổi và giới tính) ở Nhật như sau:
Tuổi | Tiền lương hàng năm | Nam giới | Nữ giới |
< 19 tuổi | 1,24 triệu Yên | 1,37 triệu Yên | 1,14 triệu Yên |
20 – 24 tuổi | 2,73 triệu Yên | 2,91 triệu Yên | 2,53 triệu Yên |
25 – 29 tuổi | 3,89 triệu Yên | 4,2 triệu Yên | 3,49 triệu Yên |
30 – 34 tuổi | 4,25 triệu Yên | 4,85 triệu Yên | 3,38 triệu Yên |
35 – 39 tuổi | 4,62 triệu Yên | 5,49 triệu Yên | 3,33 triệu Yên |
40 – 44 tuổi | 4,91 triệu Yên | 6,02 triệu Yên | 3,35 triệu Yên |
45 – 49 tuổi | 5,21 triệu Yên | 6,43 triệu Yên | 3,46 triệu Yên |
50 – 54 tuổi | 5,37 triệu Yên | 6,84 triệu Yên | 3,4 triệu Yên |
55 – 59 tuổi | 5,46 triệu Yên | 7,02 triệu Yên | 3,29 triệu Yên |
60 – 64 tuổi | 4,41 triệu Yên | 5,69 triệu Yên | 2,67 triệu Yên |
65 – 69 tuổi | 3,42 triệu Yên | 4,28 triệu Yên | 2,27 triệu Yên |
> 70 tuổi | 2,98 triệu Yên | 3,67 triệu Yên | 2,11 triệu Yên |
Câu hỏi thường gặp về lương
Công thức tính thuế thu nhập, phí bảo hiểm y tế, thất nghiệp và nenkin là gì?
Đối với các khoản phí/thuế ở trên, bạn áp dụng công thức tính như sau:
- Tiền thưởng mang về nhà = Tổng số tiền thưởng – (Thuế thu nhập + Phí bảo hiểm y tế + Phí bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng + Phí bảo hiểm thất nghiệp + Phí Nenkin phúc lợi).
- Thuế thu nhập = Thu nhập chịu thuế x thuế suất thuế thu nhập – số tiền thuế được khấu trừ.
- Phí bảo hiểm y tế = Tiền lương cơ bản (làm tròn xuống 1.000 Yên) x Tỷ lệ phí bảo hiểm y tế.
- Phí bảo hiểm việc làm = Tiền lương cơ bản (làm tròn xuống 1.000 Yên) x Tỷ lệ phí bảo hiểm việc làm.
Nên đàm phán thu nhập hay lương về tay khi phỏng vấn?
Trong một cuộc phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng hỏi mức lương mong muốn của bạn, thì nên trả lời con số thu nhập, vì đây là cơ sở để tính toán các khoản phụ cấp, hoa hồng,…
Mặt khác, lương về tay đã trừ ra các khoản thuế và khấu trừ chi phí khác, nên bạn sẽ chỉ biết được tiền lương thực nhận mang về nhà của mình, mà chưa hiểu rõ nghĩa vụ đóng thuế, bảo hiểm,… dẫn đến quyền lợi có thể bị ảnh hưởng.
Sự khác biệt giữa thu nhập và lương cơ bản là gì?
Trước hết, lương cơ bản là mức thù lao tối thiểu mà công ty phải trả cho người lao động theo quy định của pháp luật, và không bao gồm các khoản tiền phụ cấp, thưởng,… khác.
Mặt khác, thu nhập là tổng thu nhập mà công ty trả cho bạn, được tính bằng cách cộng lương cơ bản với các khoản tiền phụ cấp, trợ cấp, thưởng,… nhưng chưa trừ thuế và phí bảo hiểm.
Làm sao để tăng số tiền lương mang về nhà?
Bởi vì tiền lương cơ bản của bạn là cố định, nên cách đơn giản nhất để tăng tiền lương mang về nhà là tăng ca thường xuyên để kiếm thêm thu nhập, hoặc giảm thuế.
Vậy làm sao để giảm thuế ở Nhật? Hãy thử áp dụng những cách sau:
- Đăng ký người phụ thuộc: Nếu bạn có người phụ thuộc tài chính (vợ/chồng/con cái) ở Nhật, bạn sẽ được giảm trừ thuế. Số tiền giảm trừ là bao nhiêu còn tùy thuộc vào đối tượng phụ thuộc tài chính của bạn (ví dụ: với người thân từ 16 tuổi trở lên, mức giảm trừ là 380.000 Yên).
- Đăng ký bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm động đất: Bạn sẽ được giảm trừ thuế thu nhập 40.000 Yên và thuế cư trú 28.000 Yên, nếu đóng phí bảo hiểm từ 80.000 Yên trở lên mỗi năm (theo hệ thống mới).
- Đóng thuế cho chính quyền địa phương: Nếu bạn đóng thuế cho chính quyền địa phương nào đó mà bạn muốn hỗ trợ, bạn sẽ được hoàn thuế thu nhập và thuế cư trú tối đa 2.000 Yên (tùy tiền lương và số người phụ thuộc của bạn).
Lời kết
Tiền lương luôn là vấn đề nhạy cảm và khiến nhiều ứng viên bối rối khi trao đổi với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, dù là đàm phán thu nhập hay lương về tay, cũng đều không làm ảnh hưởng đến số tiền thực tế nhận được, vì công ty sẽ tính toán và trả đủ cho bạn.
Nếu muốn hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, bạn nên hỏi rõ trong buổi phỏng vấn về tiền lương cơ bản, tỷ lệ đóng thuế, bảo hiểm,… khi làm việc tại công ty.
Theo dõi thêm các bài viết hữu ích khác trên Mintoku Work nhé!
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thắng
Vu
Khải