Đánh giá bài viết này:
2024.09.10
Quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者) là một trong những bằng cấp cần thiết để điều hành hoặc mở nhà hàng. Đây là loại bằng cấp bắt buộc phải có, nếu bạn muốn thăng tiến lên cấp quản lý (ví dụ: diện Tokutei Ginou 2 ngành nhà hàng).
Có hai cách để đáp ứng đủ điều kiện làm người quản lý vệ sinh thực phẩm: thi lấy bằng chuyên gia dinh dưỡng, giấy phép đầu bếp, hoặc tham gia khóa đào tạo (cấp chứng chỉ) cho người quản lý vệ sinh thực phẩm.
Trong bài viết lần này, Mintoku Work sẽ cung cấp những thông tin cần biết về bằng cấp quản lý vệ sinh thực phẩm.
Quản lý vệ sinh thực phẩm là gì?
Quản lý vệ sinh thực phẩm là vị trí yêu cầu kiến thức chuyên môn về quản lý vệ sinh và cung cấp thực phẩm an toàn cho khách hàng, được quy định bởi Đạo luật vệ sinh thực phẩm (食品衛生法).
Các nhà máy chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê,… kinh doanh trong ngành thực phẩm, bắt buộc phải có ít nhất một người quản lý sở hữu bằng cấp về quản lý vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, người quản lý đó không được làm việc cho nhiều chi nhánh, cơ sở kinh doanh cùng một lúc.
Những người trên 17 tuổi bất kể trình độ học vấn (nhưng ngoại trừ học sinh trung học), đều đủ điều kiện trở thành quản lý vệ sinh thực phẩm.
Mô tả công việc quản lý vệ sinh thực phẩm
Người quản lý vệ sinh thực phẩm có 2 nhiệm vụ chính:
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều bắt buộc ở bất kỳ nơi làm việc nào.
Người quản lý sẽ giám sát việc dọn dẹp cơ sở vật chất, khu vực rửa tay, đồng thời, kiểm tra chất lượng nguyên liệu thô nhằm đảm bảo mọi thứ đều an toàn, không gây ra vấn đề sức khỏe nào cho nhân viên, hay người tiêu dùng.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, do các ký sinh trùng như Anisakis, O157, norovirus,… gây ra vào các mùa trong năm.
Đào tạo nhân viên
Thực phẩm là nhu yếu phẩm mà con người sử dụng hàng ngày. Vì vậy, để đảm bảo người tiêu dùng không bị ngộ độc, hoặc gặp vấn đề sức khỏe, người quản lý cần đào tạo những kiến thức đúng đắn, liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, cho nhân viên tại cơ sở chế biến, để phòng tránh sai sót, tai nạn.
Ví dụ, nhân viên cần hiểu được:
- Tầm quan trọng của việc quản lý vệ sinh;
- Cách rửa và khử trùng tay kỹ lưỡng;
- Xử lý dụng cụ nấu ăn và sơ chế nguyên liệu đúng quy trình.
Đôi khi, nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc tai nạn, người quản lý vệ sinh thực phẩm phải đưa ra giải pháp và quyết định triển khai nhanh chóng, chính xác ngay lập tức.
Người quản lý cũng cần giám sát và sắp xếp cho những nhân viên cảm thấy không khỏe, được nghỉ phép.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, người quản lý vệ sinh thực phẩm phải luôn cập nhật kiến thức mới nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm, thông qua các khóa đào tạo thực tế.
Ví dụ: Vào năm 2020, các nhà hàng ở Nhật đã triển khai tiêu chuẩn quản lý vệ sinh thực phẩm quốc tế HACCP, và nhiều người quản lý phải tham gia khóa học, cập nhật thông tin, để theo kịp thay đổi liên quan đến luật vệ sinh thực phẩm.
Chứng chỉ Quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者)
Điều kiện bắt buộc để trở thành người quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者), là bạn phải tham gia và vượt qua khóa đào tạo cấp chứng chỉ, do mỗi chính quyền địa phương tổ chức.
Trong khóa học này, bạn sẽ được tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và quy định trong Đạo luật vệ sinh thực phẩm (食品衛生法).
Về cơ bản, khóa đào tạo dành cho bất kỳ ai trên 17 tuổi (hoặc 15 tuổi, tùy theo chính quyền địa phương) và có thể chỉ mất một ngày để hoàn thành. Sau khi học xong khóa học, bạn phải vượt qua một bài kiểm tra đơn giản, và sẽ được cấp chứng chỉ ngay lập tức (nếu đậu).
Nhìn chung, việc học chứng chỉ này không quá khó. Hơn nữa, có rất nhiều lợi ích khi sở hữu bằng cấp quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者), chẳng hạn như:
- Nhu cầu tuyển dụng quản lý vệ sinh thực phẩm rất cao, bởi vì điều kiện để một nhà hàng bắt đầu hoạt động là phải tuyển dụng được quản lý vệ sinh thực phẩm, trước khi xin giấy phép kinh doanh.
- Chứng chỉ quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者) không có thời hạn sử dụng, nên không cần phải gia hạn, và không gây ảnh hưởng nếu bạn học sớm.
Nội dung của khóa học quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者)
3 môn học được đào tạo trong khóa học quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者) gồm:
Vệ sinh thực phẩm (食品衛生学)
- Thời gian: 2,5 giờ
- Nội dung: Các trường hợp ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, nguyên nhân và biện pháp phòng tránh; Những tai nạn, tổn hại về sức khỏe,…
Luật Vệ sinh thực phẩm (食品衛生法)
- Thời gian: 3 giờ
- Nội dung: Tổng quan về Đạo luật vệ sinh thực phẩm; Các vấn đề liên quan đến quản lý vệ sinh; Hệ thống báo cáo thu hồi tự nguyện; Quy định kinh doanh,…
Sức khỏe cộng đồng (公衆衛生学)
- Thời gian: 0,5 giờ
- Nội dung: Sức khỏe nghề nghiệp; Sức khỏe môi trường,…
Cách đăng ký khóa học quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者)
Hình thức đăng ký khóa học khác nhau, tùy quy định của từng khu vực. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể đăng ký qua đường bưu điện hoặc trực tiếp. Học phí khoảng 10.000 Yên.
Hãy chuẩn bị đủ số tiền để mang theo nộp vào ngày nhập học (lưu ý: không phải thời điểm nộp hồ sơ).
Quy trình nộp đơn cụ thể như sau:
- Nộp đơn qua đường bưu điện hoặc trực tuyến.
- Điền thông tin cần thiết vào mẫu đơn đăng ký, lấy tại trung tâm y tế công cộng (保健所), hoặc trên trang web, để đăng ký khóa học.
- Hướng dẫn tham gia khóa học sẽ được gửi cho bạn.
- Sau khi nhận đủ số lượng học viên, Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm (食品衛生協会), sẽ tạm ngừng tiếp nhận đơn đăng ký, đồng thời, gửi cho bạn hướng dẫn về ngày bắt đầu khóa học.
Tuy nhiên, ngày nay, Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm (食品衛生協会) ở nhiều khu vực cũng cung cấp khóa đào tạo online (e-learning), thuận tiện cho việc học tập hơn.
Ví dụ:
- Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm Hokkaido (Hokkaido食品衛生協会)
- Hiệp hội Vệ sinh Thực phẩm Tokyo (一般社団法人Tokyo食品衛生協会)
Lời kết
Để trở thành người quản lý vệ sinh thực phẩm, điều kiện quan trọng là bạn phải có những kỹ năng chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm đa dạng, được chứng minh qua những loại bằng cấp, chứng chỉ như chứng chỉ Quản lý vệ sinh thực phẩm (食品衛生責任者).
Hy vọng thông tin trong bài viết, sẽ giúp bạn hiểu hơn về nội dung khóa học, cách đăng ký để lấy được bằng cấp này nhé!
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thắng
Vu
Khải