Đánh giá bài viết này:
2024.09.10
Tờ khai xin visa là giấy tờ quan trọng, không thể thiếu trong bộ hồ sơ xin cấp visa để nhập cảnh Nhật Bản.
Bạn cần điền chính xác, trung thực từng mục thông tin, như vậy, sẽ giúp tăng tỷ lệ đậu visa hơn nhiều. Hãy tiếp tục theo dõi hướng dẫn cách điền đơn xin visa chi tiết của Mintoku Work ngay sau đây nhé!
Tờ khai xin visa là gì?
Tờ khai, hay đơn xin visa (ビザ申請) là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có, khi nộp hồ sơ xin visa, để nhập cảnh Nhật Bản, dù vì bất kỳ mục đích gì như lưu trú ngắn hạn (du lịch, công tác,…), hay lao động (dưới tư cách thực tập sinh, Tokutei,…).
Đơn xin cấp visa thể hiện mục đích và mong muốn của người viết, khi xin thị thực nhập cảnh vào một quốc gia nào đó (ví dụ: Nhật Bản). Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Lãnh sự quán, và Cục xuất nhập cảnh ở Nhật xem xét, đối chiếu thông tin với các giấy tờ khác trong bộ hồ sơ xin visa của bạn.
Hãy cố gắng khai báo đúng sự thật, bởi vì một sai lệch nhỏ cũng có thể khiến bạn bị từ chối cấp visa.
Hướng dẫn điền đơn xin cấp visa đi Nhật
- Họ và tên: Ghi đúng như trên hộ chiếu (Nếu bạn còn có họ tên khác, ngoài họ tên trên hộ chiếu, thì điền cả họ tên khác đó vào). Lưu ý: “Họ” là mục Surname; “Tên” và “chữ lót” là mục Given and middle names; “Tên khác” là mục Other names.
- Ngày sinh (Date of Birth): Ghi theo thứ tự ngày – tháng – năm sinh, và nếu ngày, tháng sinh của bạn là số có 1 chữ số, thì phải ghi thêm số 0 phía trước (ví dụ: 01/02/2003).
- Nơi sinh (Place of Birth): Ghi theo thứ tự Thành phố/Thị xã (hoặc Quận, Huyện trực thuộc Tỉnh), Tỉnh (hoặc Thành phố trực thuộc trung ương), Quốc gia. Ví dụ: Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam; Hay Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.
- Giới tính (Sex): Bạn đánh dấu vào một trong hai ô: Male (Nam), hoặc Female (Nữ).
- Tình trạng hôn nhân (Marital Status): Bạn cũng đánh dấu vào một trong bốn ô sau: Single (Độc thân), Married (Kết hôn), Widowed (Vợ/chồng đã mất), Divorced (Ly hôn).
- Quốc tịch (Nationality or citizenship): Viết in hoa (ví dụ: VIET NAM). Nếu có quốc tịch khác hoặc quốc tịch cũ trước đây từng sở hữu, thì bạn điền vào mục Former and/or other nationalities or citizenships ngay bên dưới.
- Số CMND/ CCCD (ID No. issued to you by your government): Điền chính xác số CCCD / CMND còn hiệu lực, do nhà nước ban hành.
- Loại hộ chiếu (Passport Type): Bạn chọn và đánh dấu vào một trong bốn mục sau: Diplomatic (Ngoại giao), Official (Công vụ), Ordinary (Phổ thông), Other (Khác). Thông thường, loại hộ chiếu mà công dân Việt Nam được cấp là Ordinary (Phổ thông). Bạn nên chọn ô này.
- Số hộ chiếu (Passport No.): Gồm 8 ký tự bắt đầu bằng một chữ cái in hoa trên bảng chữ cái, tiếp đến là 7 số tự nhiên. Số hộ chiếu được ghi rõ trên hộ chiếu.
- Nơi cấp hộ chiếu (Place of issue): Chỉ cần ghi tên tỉnh, thành nơi bạn làm hộ chiếu.
- Ngày cấp hộ chiếu (Date of issue): Ghi theo cấu trúc ngày – tháng – năm và viết số 0 phía trước nếu ngày/tháng chỉ có một chữ số.
- Cơ quan cấp (Issuing authority): Viết tên cơ quan cấp hộ chiếu, thường là Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong nước.
- Ngày hết hạn của hộ chiếu (Date of expiry): Áp dụng cách viết ngày tương tự như ngày tháng năm sinh.
- Mục đích đến Nhật Bản (Purpose of visit to Japan): ví dụ du lịch, thì ghi SIGHTSEEING.
- Thời gian lưu trú (Intended length of stay in Japan): Thời gian ngắn thì ghi số ngày (ví dụ: 7 days). Nếu thời gian dài hơn, bạn có thể dùng “months” hoặc “years”.
- Ngày nhập cảnh (Date of arrival in Japan): Đó là ngày mà bạn đáp chuyến bay xuống lãnh thổ Nhật Bản.
- Sân bay nhập cảnh (Port of entry into Japan): Ghi ngắn gọn tên sân bay mà bạn sẽ xuống vào ngày nhập cảnh Nhật Bản. Ví dụ: OSAKA.
- Số hiệu chuyến bay (Name of ship or airline): Có in trên vé máy bay.
- Nơi ở khi đến Nhật (Names and addresses of hotels or persons with whom applicant intends to stay): Bạn điền tên khách sạn (kèm địa chỉ và số điện thoại với mã vùng) hoặc thông tin liên hệ của người mà bạn dự định sẽ ở cùng.
- Khoảng thời gian đã ở lại Nhật trước đây (Dates and duration of previous stays in Japan): Nếu bạn chưa từng đến Nhật trước đây, thì điền “NO”. Nếu bạn đã từng đến Nhật, hãy ghi rõ khoảng thời gian từ ngày… tháng… năm… đến ngày… tháng… năm…
- Địa chỉ hiện tại của bạn (Your current residential address): Bạn cung cấp các thông tin liên lạc gồm địa chỉ hiện tại ở Việt Nam, số điện thoại bàn, di động, email. Lưu ý: số điện thoại cần ghi mã vùng.
- Nghề nghiệp hiện tại (Current profession or occupation and position): Người xin visa ghi rõ nghề nghiệp của mình (in hoa).
- Thông tin chủ lao động (Name and address of employer): Đó là các thông tin như tên cơ quan/công ty, địa chỉ và số điện thoại ở nơi làm việc.
- Nghề nghiệp của vợ/chồng hoặc bố mẹ (Partner’s profession/occupation (or that of parents, if applicant is a minor): Nếu đã lập gia đình, thì điền nghề nghiệp của vợ/chồng. Nếu là trẻ vị thành niên, vui lòng điền nghề nghiệp của bố/mẹ.
- Người bảo lãnh ở Nhật (Guarantor or reference in Japan): Hãy cung cấp đầy đủ thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, quốc tịch, tình trạng lưu trú, và mối quan hệ với người xin visa.
- Người mời đến Nhật (Inviter in Japan): Tương tự như trên, bạn điền đầy đủ họ tên, ngày sinh, giới tính, số điện thoại, địa chỉ, nghề nghiệp, quốc tịch, tình trạng lưu trú, và mối quan hệ với người xin visa. Nếu người mời và người bảo lãnh là cùng một người, bạn ghi “Same as above” (Như trên) là được.
- Phần ghi chú (Remarks): Chỉ điền khi có tình huống đặc biệt.
- Trả lời câu hỏi về tình trạng pháp lý (Have you ever): Những câu hỏi này là dạng Yes (Có) – No (Không). Bạn chỉ cần đọc và đánh dấu vào ô mô tả đúng với tình huống của mình. Nội dung các câu hỏi như sau:
- Been convicted of a crime or offence in any country? (Từng bị kết án hoặc có hành vi phạm tội ở bất kỳ quốc gia nào hay chưa?)
- Been sentenced to imprisonment for 1 year or more in any country? (Đã từng bị đi tù, hay giam giữ từ 1 năm trở lên hay chưa?)
- Been deported or removed from Japan or any country for overstaying your visa or violating any law or regulation? (Từng bị trục xuất khỏi Nhật Bản hoặc quốc gia khác vì cư trú bất hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật hay chưa?)
- Engaged in prostitution, or in the intermediation or solicitation of a prostitute for other persons, or in the provision of a place for prostitution, or any other activity directly connected to prostitution? (Có từng làm nghề mại dâm, môi giới, cung cấp địa điểm, hoặc bất kỳ hoạt động khác liên quan đến mại dâm hay không?)
- Committed trafficking in persons or incited or aided another to commit such an offence? (Có từng xúi giục, giúp đỡ, hoặc thực hiện hành vi mua bán người hay không?)
- Ngày nộp đơn (Date of application): Viết theo định dạng ngày – tháng – năm.
- Chữ ký của người làm đơn (Signature of applicant): Phải do chính người xin cấp visa ký (Lưu ý: Khi bị phát hiện giả mạo chữ ký, thì đơn đăng ký cấp visa có thể bị từ chối). Nếu người xin cấp visa là trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên, thì bố/mẹ (người đại diện pháp luật) có thể ký thay, sau đó, cần ghi rõ mối quan hệ với trẻ.
- Ngoài các thông tin kể trên, người làm đơn cần chuẩn bị ảnh thẻ (kích thước 4,5 x 3,5 cm) mới được chụp trong vòng 6 tháng và nhìn rõ mặt, để dán vào góc phải trên cùng của đơn. Lưu ý: Ảnh cần dán bằng hồ, không dập ghim, không bị bẩn hoặc rách/hỏng.
Mẫu đơn xin cấp visa đã được điền sẵn
Lời kết
Trên đây là toàn bộ cách điền đơn xin cấp visa để nhập cảnh Nhật Bản chi tiết. Không chỉ khách du lịch, mà còn bạn du học sinh, thực tập sinh, Tokutei,… đều có thể áp dụng.
Chúc các bạn thành công nhé!
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thắng
Vu
Khải