Đánh giá bài viết này:
2024.07.31
Ước tính chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng của người nước ngoài, khi sống ở Nhật rơi vào khoảng 70.000 – 80.000 Yên/tháng. Trong đó, chi tiêu cho việc ăn uống đã lên tới 15.000 – 30.000 Yên (~ 3 đến 6 triệu VNĐ).
Điều này là do giá cả ở Nhật vốn đã cao hơn nhiều quốc gia châu Á khác (trong đó có Việt Nam). Đặc biệt, kể từ năm 2022 đến nay, giá cả ở Nhật lại tiếp tục tăng nhanh, khiến nhiều người càng “đau đầu” khi tính toán cách chi tiêu sinh hoạt hợp lý.
Cách ăn uống tiết kiệm ở Nhật là tranh thủ mua hàng giảm giá
Trong bài viết lần này, Mintoku Work sẽ giới thiệu những cách ăn uống tiết kiệm tiền nhất ở Nhật, nhằm giúp các bạn giảm bớt áp lực về kinh tế. Cùng theo dõi nhé!
Tự nấu ăn
Nếu ăn ngoài (ví dụ: ăn thức ăn nhanh, bento ở siêu thị/cửa hàng tiện lợi,…), bạn sẽ tốn khoảng 500 đến 1000 Yên mỗi bữa. Tuy nhiên, nếu tự nấu ăn, chi phí tổng cộng cho ba bữa một ngày chỉ dưới 1000 Yên. Vì vậy, ước tính việc nấu ăn hàng ngày, sẽ giúp tiết kiệm được 1/3 tiền ăn uống mỗi tháng.
Bạn nên nấu một lần để ăn cả ngày, hoặc nấu nhiều hơn và cất tủ lạnh ăn dần. Cách này vừa tiết kiệm điện, gas, vừa đỡ tốn thời gian đấy!
Đi siêu thị buổi tối
Các siêu thị ở Nhật thường giảm giá đồ ăn chế biến sẵn và thực phẩm tươi sống vào cuối ngày (trong khoảng thời gian 1 – 3 tiếng trước khi đóng cửa). Mỗi siêu thị sẽ quy định giờ giảm giá riêng.
Ví dụ: Siêu thị ニシムタ sẽ giảm giá thực phẩm ăn uống kể từ 18h, còn với AEON là 21h. Nhiều mặt hàng sẽ được giảm 20% (thậm chí là 50 – 70%). Bạn nên tranh thủ để “săn” được đồ giá rẻ nhé!
Tranh thủ những ngày giảm giá đặc biệt
Bên cạnh việc giảm giá buổi tối, các siêu thị còn có những ngày giảm giá đặc biệt, như:
- Ngày của thịt (肉の日): là ngày 29 hàng tháng
- Ngày của rau (野菜の日): là ngày 31/08
- Ngày thực phẩm đông lạnh (冷凍食品の日): là ngày 18/10
Vào những ngày này, các mặt hàng nhất định (như thịt, rau, cá,…) sẽ giảm giá mạnh so với ngày thường. Các bạn có thể xem tờ rơi dán trước cửa siêu thị để biết thông tin chi tiết nhé!
Mua hàng nhập khẩu
Nhiều người thường lo ngại thực phẩm nhập khẩu, sẽ không tốt cho sức khỏe bằng hàng tươi sống trong nước.
Tuy nhiên, theo Luật Vệ sinh thực phẩm tại Nhật Bản, dù là thực phẩm nhập khẩu hay nội địa, thì đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm giống nhau, mới có thể bán cho người tiêu dùng. Do đó, bạn có thể yên tâm khi mua hàng.
Trên thực tế, các mặt hàng thịt được nhập khẩu từ Canada, Mỹ, Úc… sẽ rẻ hơn các mặt hàng thịt nội địa của Nhật. Điển hình như, 100 gram thịt bò Úc giá 400 Yên, trong khi đó, 100 gram thịt bò Kuroge Wagyu Nhật Bản có giá lên tới 1.280 Yên. Ngoài ra, rau nhập khẩu từ các nước châu Á (ví dụ: Trung Quốc) cũng có giá rẻ hơn.
Mua hàng giảm giá ngày của thịt – cách tiết kiệm tiền ở Nhật
Mua hàng số lượng lớn
Để tiết kiệm tiền ăn uống, điều quan trọng là bạn phải có kế hoạch mua sắm hiệu quả, phù hợp với ngân sách. Ngoài ra, bạn nên mua hàng số lượng lớn để được giá rẻ. Ví dụ: mua cả bó rau hoặc gói thịt lớn sẽ rẻ hơn mua một nửa.
Đối với các mặt hàng đông lạnh để được lâu, bạn có thể mua nhiều và trữ trong khoảng 1 đến 2 tuần. Như vậy, bạn sẽ không phải mất thời gian đi siêu thị thường xuyên.
Mua gạo ở siêu thị bán sỉ
Gạo là thực phẩm chính và được tiêu thụ nhiều nhất trong bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, việc chọn nơi để mua gạo rất quan trọng. Nếu chọn được địa điểm mua gạo giá rẻ, bạn có thể tiết kiệm thêm vài nghìn Yên mỗi tháng.
Dưới đây là một số nguồn gợi ý của Mintoku Work:
- Mua gạo tại các siêu thị bán sỉ như Gyomu, Hanamasa, Donkihote,…
- Mua gạo ở cửa hàng gạo.
- Mua trực tiếp từ nông dân hoặc mua online trên Amazon (giá rẻ, nhưng thường tính ship).
Lưu ý: Nếu mua từ 10 kg, thì giá sẽ rẻ hơn mua 5 kg.
Tránh các cửa hàng tiện lợi
Bạn có thể mua bento, nước, hoặc một số đồ linh tinh ở cửa hàng tiện lợi. Nhưng nếu bạn đang cân nhắc mua thực phẩm để nấu ăn hàng ngày tại các cửa hàng này, thì không nên. Nguyên nhân là do giá cả ở các cửa hàng tiện lợi luôn cao hơn siêu thị hoặc tạp hóa.
Sử dụng thẻ tích điểm
Thẻ tích điểm rất phổ biến ở Nhật, và hầu như ai cũng có vài cái. Với thẻ này, bạn có thể tích điểm dựa trên hóa đơn mỗi lần mua sắm (ví dụ: thẻ Rakuten cho phép tích 1 Điểm mỗi khi bạn chi tiêu 100 Yên).
Mặc dù điểm không thể quy đổi thành tiền mặt, nhưng bạn có thể đổi điểm sang phiếu quà tặng, hoặc trừ vào hóa đơn mua hàng lần sau.
Lời kết
Nhật Bản là quốc gia có mức sống đắt đỏ, nên không dễ dàng gì đối với người đi làm để chi tiêu tiết kiệm. Do đó, nếu cắt giảm được phần nào những chi phí không cần thiết, thì chúng ta cũng nên cắt giảm.
Đặc biệt, để tiết kiệm tiền ăn uống, các bạn nên hạn chế ăn ngoài, và sắm tủ lạnh để trữ số lượng lớn thực phẩm, vừa tránh mất thời gian đi siêu thị nhiều, vừa có chỗ cất hàng giảm giá mỗi đợt khuyến mãi.
Theo dõi thêm các bài viết hấp dẫn trên Mintoku Work tại đây nhé!
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thủy
Trung
Tiến