Đánh giá bài viết này:

Cách trình bày lý do nghỉ việc không gây “mích” lòng

2024.03.26

Một trong những bước khó khăn nhất của quá trình chuyển việc, là xin nghỉ việc. Ngay cả khi, bạn không hề hối tiếc về việc rời bỏ công ty hiện tại, bạn vẫn nên giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, sếp cũ, để không ảnh hưởng đến việc tìm kiếm môi trường mới.

Trong bài viết lần này, Mintoku Work sẽ hướng dẫn bạn cách trình bày lý do nghỉ việc, tránh gây “mích lòng” nhé!

Nên trình bày lý do xin nghỉ việc ở Nhật khéo léo

Những lý do phổ biến dẫn đến nghỉ việc?

Đa phần những nguyên nhân nghỉ việc thực sự đều liên quan đến lương, đãi ngộ, hoặc môi trường làm việc. Tuy nhiên, đây đều là những lý do không nên nói thẳng. Do đó, hãy khéo léo khi trình bày với cấp trên, để tránh làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng nhé!

Mặt khác, với những trường hợp xin nghỉ việc vì lý do khách quan như sức khỏe, gia đình,… thì bạn không cần quá lo lắng. Hãy chia sẻ chân thành, để sếp thông cảm cho bạn.

Những lưu ý khi thông báo nghỉ việc

Cố gắng chia sẻ theo hướng tích cực

Chắc chắn, bạn sẽ được hỏi về lý do nghỉ việc, khi thông báo ý định với cấp trên. Tuy nhiên, trong tình huống như vậy, bạn cũng nên tránh bày tỏ sự tiêu cực, hoặc không hài lòng như: “待遇が良くない” (không được đối xử tốt), hay “人間関係が悪い” (đồng nghiệp tệ).

Việc đó sẽ không giúp mọi thứ tốt lên, mà còn khiến công ty muốn gây khó dễ cho bạn.

Không nên nói dối

Thay vì nói dối và đưa ra những lý do thiếu logic, bạn nên trung thực, và cố gắng diễn đạt thông tin theo hướng tích cực. Ví dụ: “もっと多くのことに挑戦してスキルを磨きたい” (Tôi muốn thử nhiều thứ hơn và cải thiện kỹ năng của mình).

Tránh kể với đồng nghiệp về kế hoạch nghỉ việc

Hãy đảm bảo đồng nghiệp của bạn là những người sau cùng được biết về thông tin nghỉ việc, cho đến khi bạn thông báo với sếp xong. Điều này nhằm giữ mối quan hệ tốt, với mọi người tại công ty, và tránh việc bị cấp trên chú ý, làm khó trong những ngày cuối còn làm ở công ty.

Tuân thủ quy trình nghỉ việc của công ty

Mỗi công ty sẽ có những quy định riêng về thời hạn cần báo trước khi nghỉ, cũng như các thủ tục cần làm khi nghỉ việc. Do đó, hãy tìm hiểu kỹ và lên kế hoạch từ sớm.

Điều này không chỉ đảm bảo bạn có đủ thời gian bàn giao công việc, mà còn giúp công ty sắp xếp việc tuyển dụng nhân viên mới thay thế bạn.

Tuân thủ quy trình xin nghỉ việc tại Nhật

Ví dụ cách trình bày lý do nghỉ việc

Khi bạn không hài lòng với sếp, đồng nghiệp

Thay vì tập trung chỉ ra lỗi của người khác, bạn có thể bày tỏ mong muốn của mình, như: được cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, hoặc được hỗ trợ nhiều hơn.

Ví dụ:

今の課では個人業績が重視されているため、個人で行動する機会が多いのですが、私自身はもっと周りとコミュニケーションを取り、いいナレッジを随時共有したいと思っていました。何度か上司には提案したのですが、現状では課の方針を変えるのは難しいとのこと。チームで団結し、互いに高め合いながら働ける環境が自分には向いているのではないかと考え、熟慮の末退職を決断しました

Ở phòng ban hiện tại của tôi, các đồng nghiệp đều chú trọng đến hiệu suất cá nhân, nên tôi cũng có nhiều cơ hội làm việc độc lập. Nhưng tôi là người thích giao tiếp nhiều và thích cùng đồng đội chia sẻ những kiến ​​thức hay.

Tôi đã đề xuất điều này với sếp, nhưng ông ấy nói rằng sẽ khó thay đổi chính sách của phòng ban, trong tình hình hiện tại. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định nghỉ việc, vì muốn phát triển tại môi trường có tinh thần tập thể cao.

Khi bạn không hài lòng với mức lương

Bạn có thể nói rằng hệ thống đánh giá của công ty chưa phù hợp, và hy vọng được đánh giá công bằng hơn.

Ví dụ:

これまで与えられた目標数字を達成し続けてきましたが、給与額にほとんど反映されないことから、なかなか自身の成長を実感できずにいました。モチベーション高く仕事に臨み、営業としてさらに成長するためにも、実力主義の厳しい環境に身を投じたいと考え、退職を選びました

Mặc dù tôi vẫn đạt được những mục tiêu được giao, nhưng tôi luôn cảm thấy khó khăn để tự đánh giá năng lực của chính mình, thông qua mức lương nhận được.

Tôi quyết định nghỉ việc, vì tôi muốn tìm kiếm môi trường mới, với hệ thống đánh giá chủ yếu dựa trên thành tích. Như vậy, tôi sẽ có nhiều động lực để phát huy thế mạnh của một nhân viên bán hàng.

Khi bạn không còn thích công việc hiện tại

Tất nhiên, bạn cũng không nên chê bai vị trí hiện tại nhàm chán như thế nào, hoặc quy định công ty khắt khe ra sao. Hãy nghĩ về động lực làm việc của bạn, và chia sẻ trung thực về mục tiêu phát triển sắp tới.

Ví dụ:

営業として常に高い目標数字を追いかけ続け、目標達成能力が着実に身についていると実感していますが、その一方で顧客1件1件にじっくり向き合えていないことに申し訳なさを感じていました。顧客に寄り添い、課題解決のために伴走し続けられるような営業をしてみたいという思いが強まり、退職を決意しました

Với tư cách là nhân viên bán hàng, tôi luôn không ngừng theo đuổi những mục tiêu doanh số cao, và dần dần, tôi cũng học được cách đạt được mục tiêu.

Nhưng tiếc rằng tôi đã không thể quan tâm sâu sắc hơn đến từng khách hàng. Tôi quyết định nghỉ việc, vì tôi muốn tìm kiếm môi trường mới, nơi tôi có thể gần gũi với khách hàng và giúp họ giải quyết vấn đề.

Khi bạn xin nghỉ việc để tự kinh doanh

Nếu bạn quyết định khởi nghiệp, trong cùng lĩnh vực hoạt động của công ty, bạn nên cẩn thận khi chia sẻ điều này. Bởi vì không phải cấp trên nào cũng ủng hộ cách làm của bạn.

Ví dụ:

営業担当として長年勤めていく中で、お客様のニーズに答えられるサービスを新たに作りたいと感じるようになりました。長い間悩んだのですが、この会社で培った経験を活かし、新たなステージで挑戦したい思いが強まり、退職を決意しました。

Sau nhiều năm làm nhân viên bán hàng, tôi đột nhiên có ý tưởng tạo ra dịch vụ mới, mà có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này, và thật sự, mong muốn thử thách bản thân ngày càng mãnh liệt trong tôi. Vì vậy, tôi sẽ tận dụng những kinh nghiệm tôi có được ở công ty, để thực hiện ước mơ trong thời gian tới. Đó là lý do tôi quyết định nghỉ việc.

Nghỉ việc ở Nhật để tự kinh doanh

Khi bạn xin nghỉ việc để chữa bệnh

Đây là tình huống ngoài ý muốn, nên bạn chỉ cần chia sẻ thật lòng. Đa số cấp trên đều sẽ thông cảm cho bạn. Tuy nhiên, lưu ý, nên tránh việc trách móc công ty, vì đã bắt bạn tăng ca, hoặc giao nhiều việc, khiến bệnh của bạn nặng hơn.

Ví dụ:

結果が求められる環境の中、もっと成果を上げたいという思いから、自分の健康を顧みずに仕事を優先していました。体調を崩してからはなかなか回復が見込めず、しばらくの間は治療に専念したいと思っているので退職を決意しました。

Tại môi trường làm việc chú trọng đến kết quả như công ty, tôi luôn nỗ lực để đạt nhiều thành tích hơn. Thành thực, tôi đã ưu tiên công việc mà không quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Sau khi phát hiện bị bệnh, tôi muốn tập trung điều trị, nên tôi phải xin nghỉ việc.

Khi bạn không muốn nói lý do thực sự

Trên thực tế, không có quy định nào yêu cầu bạn phải tiết lộ lý do từ chức. Tuy nhiên, để duy trì mối quan hệ tốt với sếp, bạn nên bày tỏ lòng biết ơn, và thể hiện ý định của mình một cách chân thành.

Ví dụ:

この度は異なる環境で自分の力を試したいと考え、退職させていただきたく存じます。社会人として多くの経験を積ませていただき、感謝しております。誠に勝手な話で申し訳ありませんが、何卒、ご理解いただけますようお願いいたします。

Tôi muốn xin nghỉ việc, vì tôi muốn thử thách bản thân ở môi trường khác. Tôi rất biết ơn khi được là thành viên của công ty trong suốt thời gian qua, nhờ vậy, tôi mới có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu. Tôi xin lỗi vì sự bất tiện này nhưng hy vọng anh thông cảm cho tôi.

Kết luận

Nghỉ việc không phải là một tin tức tốt mà bất kỳ người sếp nào muốn nghe. Do đó, hãy trung thực, nhưng cũng nên khéo léo khi trình bày ý định của bạn. Ngoài ra, đừng quên thể hiện lòng biết ơn, và ấn định ngày cụ thể mà bạn sẽ nghỉ việc.

Cách tốt nhất là nên lên kế hoạch từ sớm, và tránh nghỉ việc vào những khoảng thời gian bận rộn của công ty (như lễ, cuối năm,…).


Chia sẻ bài viết này


Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước

Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn

Mui tên lên Độ dốc vòng tròn