Đánh giá bài viết này:

Lưu ý khi chuyển việc tại Nhật đối với visa Tokutei Ginou

2023.10.27

Hiện nay, visa Tokutei Ginou (kỹ năng đặc định) tiếp nhận đến 14 ngành nghề, và mỗi ngành nghề đều có bài thi đánh giá tay nghề riêng để lựa chọn ra những lao động phù hợp.

Thế nhưng không phải ai cũng cân nhắc cẩn thận về ngành nghề làm việc mà mình đam mê trước khi sang Nhật. Do đó, nhiều bạn khó tránh khỏi cảm giác chán nản sau một thời gian cống hiến, và có mong muốn chuyển ngành.

Những lưu ý khi chuyển việc tại Nhật

Vậy lao động có kỹ năng đặc định được phép chuyển việc trong trường hợp nào? và cần lưu ý gì khi chuyển việc tại Nhật? Tất cả sẽ được giải đáp ngay sau đây.

Lao động có kỹ năng đặc định được phép chuyển việc hay không?

Như chúng ta đã biết, visa kỹ năng đặc định (Tokutei Ginou) được chia thành 2 loại: Visa kỹ năng đặc định loại 1 (特定機能1号) và kỹ năng đặc định loại 2 ( 特定機能2号).

Điểm khác biệt quan trọng nhất của 2 loại visa này là: thời gian lưu trú. Visa loại 2 không giới hạn số lần gia hạn và có thể xin vĩnh trú trong tương lai cũng như đón gia đình sang sống cùng. Ngược lại, thời gian lưu trú của loại 1 chỉ hạn chế trong 5 năm, sau đó phải về nước, và bạn cũng không được đón người thân sang.

Visa Tokutei Ginou 1 chuyển việc

Nhóm đối tượng thuộc diện lao động kỹ năng đặc định loại 1 có thể chuyển việc sang công ty khác trong cùng ngành. Nhưng nếu muốn chuyển sang ngành mới hoàn toàn, bạn phải thi chứng chỉ Tokutei của ngành đó.

14 ngành mà loại visa này tiếp nhận bao gồm:

  • Nông nghiệp (農業);
  • Hàng không (空港業);
  • Vệ sinh tòa nhà (ビルクリーニング);
  • Xây dựng (建築業);
  • Điện – điện tử – viễn thông (電子・電気機器関連産業);
  • Ngư nghiệp (漁業);
  • Chế biến thực phẩm (飲食料品製造業);
  • Điều dưỡng (介護);
  • Khách sạn (宿泊業);
  • Công nghiệp máy móc (産業機械製造業);
  • Gia công chế tạo công nghiệp (素材産業);
  • Nhà hàng (外食業);
  • Đóng tàu (造船・船用工業);
  • Bảo dưỡng xe ô tô (自動車整備業).

Ngoài ra, trong thời gian 5 năm làm việc theo diện visa kỹ năng đặc định 1, bạn có thể chuyển việc sang ngành nghề khác với quy định của loại hình visa nếu được xác nhận là có kỹ năng tiêu chuẩn chung (giữa 2 ngành nghề) dựa trên kết quả của các kỳ thi.

Ví dụ, Chế tạo vật liệu; Chế tạo máy móc sản xuất; Điện – Điện tử – Thông tin là 3 ngành nghề có những yêu cầu kỹ năng chung. Do đó, nếu bạn thi đỗ kỳ thi đánh giá tay nghề của ngành Chế tạo (kỹ thuật hàn), bạn có thể làm việc trong cả 3 ngành vừa nêu trên.

Tuy nhiên, hình thức này thường chỉ áp dụng trong một vài ngành đặc biệt. Hầu hết trường hợp chuyển Tokutei trái ngành đều sẽ yêu cầu thi lại chứng chỉ của ngành mới.

Nhìn chung, so với diện Thực tập sinh, lao động có kỹ năng đặc định dễ chuyển việc hơn.

Lao động tham gia chương trình Tokutei Ginou

Visa Tokutei Ginou 2 chuyển việc

Tương tự như trên, visa Tokutei Ginou 2 cũng tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định trong 14 ngành nghề (theo cập nhật mới nhất 2023).

Loại visa này cho phép chuyển việc trong cùng ngành nghề nếu có lý do chính đáng. Còn nếu muốn chuyển sang ngành khác thì bạn vẫn phải thi lấy chứng chỉ Tokutei của ngành mới.

Lưu ý khi chuyển việc đối với cả hai loại hình visa Tokutei Ginou 1 và 2, dù bạn chuyển công việc mới trong cùng hay trái ngành, thì bạn đều phải đảm bảo mình có đủ giấy tờ hợp lệ để xin visa và đã đậu công việc mới thành công trước khi nghỉ làm ở công ty cũ.

Có thể chuyển từ Visa Tokutei Ginou 1 sang Visa Tokutei Ginou 2 được không?

Câu trả lời ngắn gọn là có. Nếu trong hoặc sau thời gian 5 năm làm việc theo diện Visa Tokutei Ginou 1, bạn thi đậu kỳ thi đánh giá năng lực đặc biệt (chứng chỉ Tokutei Ginou 2) và đậu việc tại một công ty chấp nhận Visa Tokutei Ginou 2, thì bạn đủ điều kiện chuyển sang diện lưu trú dành cho lao động kỹ năng đặc định loại 2.

Với Visa loại 2 này, bạn được phép gia hạn vô số lần và có thể xin visa vĩnh trú trong tương lai.

Khi chuyển việc, cần báo trước bao lâu?

Đây là thắc mắc chung của rất nhiều bạn theo diện visa Tokutei Ginou khi muốn chuyển việc. Thực tế, thời điểm trình bày quyết định xin thôi việc với cấp trên có thể khác nhau tùy từng công ty. Để đảm bảo tuân thủ đúng luật cũng như không gây khó khăn cho doanh nghiệp, bạn nên xem xét lại và căn cứ theo điều khoản trên hợp đồng lao động đã ký trước đây.

Thông thường, các hợp đồng sẽ quy định phải thông báo trước 1 tháng hoặc 2 tháng, nhưng đôi khi có thể là trước 45 ngày.

Lưu ý, bạn nên tránh nghỉ ngang, hoặc báo trước với thời gian quá ít, vì đó là hành động vi phạm hợp đồng, và công ty sẽ có lý do để gây khó dễ hoặc phạt bạn.

Thời điểm thích hợp nhất để chuyển việc

Khi chuyển việc, bạn nên cân nhắc đến thời gian lưu trú còn lại của bản thân ở Nhật. Lời khuyên tốt nhất là chỉ nghỉ việc nếu tư cách lưu trú của bạn còn trên 6 tháng. Bởi vì nếu visa của bạn hết hạn trong thời gian nghỉ việc hoặc đang tìm việc mới, bạn sẽ khó nhờ vả công ty giúp làm thủ tục gia hạn.

Thông báo ngày cuối cùng đến công ty

Thực tế, không có quy định về ngày cuối cùng bạn đến công ty. Đây là ngày mà bạn sẽ thỏa thuận với phòng nhân sự hoặc cấp trên, tính từ lúc nộp giấy nghỉ việc ở Nhật.

Thông thường, để có lợi thế, bạn nên lựa chọn nghỉ việc vào ngày cuối cùng của tháng. Bởi vì tiền bảo hiểm ở Nhật sẽ được trừ vào tiền lương hàng tháng. Nếu nghỉ trước hoặc đầu tháng, bạn phải tự mình đóng toàn bộ.

Thông báo cho cấp trên trước khi chuyển việc tại Nhật

Làm sao để nghỉ việc mà không ảnh hưởng đến công ty?

Nếu đã gắn bó với công ty đủ lâu, thì khi nộp mẫu xin nghỉ việc ở Nhật, bạn cũng nên tránh để lại ấn tượng xấu. Do đó, hãy lưu ý vài điều sau đây.

Tránh nộp giấy nghỉ việc ở Nhật vào thời điểm công ty bận rộn

Vào những dịp cuối năm hay mùa lễ hội (tháng 11 – 12), giai đoạn tháng 3 – 4, doanh nghiệp thường rất bận rộn. Do đó, nếu muốn nghỉ việc trong khoảng thời gian này, bạn nên thông báo trước càng sớm càng tốt (3 – 6 tháng) để giúp công ty sắp xếp việc tuyển dụng, đào tạo người mới kịp thời. Và bạn cũng sẽ không bị “mang tiếng” là thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp, mà làm ảnh hưởng đến quan hệ sau này.

Đối với người làm việc theo ca

Nếu làm việc theo ca, bạn hãy chủ động sắp xếp thời gian nghỉ việc hợp lý mà không trùng với lịch làm việc đã được phân chia. Ngoài ra, ngành nhà hàng, khách sạn, du lịch, quán ăn,… thường có những giai đoạn đông khách nhất định. Bạn nên tránh thông báo nghỉ vào thời điểm bận rộn như vậy, vì đó là lúc chủ lao động đang cần nhiều nhân viên nhất.

Lời kết

Chuyển việc ở Nhật thường không phải là quyết định dễ dàng, vì có nhiều yếu tố cần xem xét. Một trong những lưu ý quan trọng nhất là tìm hiểu xem loại hình visa của bản thân có phù hợp để chuyển việc trái ngành hay không.

Ngoài ra, nếu đã nộp mẫu đơn xin nghỉ việc ở Nhật, hãy chủ động sắp xếp thời gian, chuẩn bị tài liệu và bàn giao công việc cho người mới.


Minna No Tokugi hỗ trợ chuyển việc ở Nhật bản


Chia sẻ bài viết này


Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước

Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn

Mui tên lên Độ dốc vòng tròn