Đánh giá bài viết này:
2023.10.27
Hiện nay, có không ít bạn trẻ Việt Nam ước mơ được sang Nhật Bản làm việc, để nhận lương cao và dễ thăng tiến hơn. Trong quá trình tìm việc ở Nhật, một trong những vấn đề được nhiều bạn quan tâm là quá trình từ lúc nộp đơn ứng tuyển đến khi gia nhập công ty sẽ trải qua những bước nào? Có điều gì cần lưu ý trong mỗi bước? Bài viết này sẽ giải đáp tất cả thắc mắc đó của bạn.
Bước 1: Nghiên cứu vị trí tuyển dụng
Trên thực tế, không phải công việc nào tại Nhật Bản cũng có thể thuê người lao động nước ngoài làm. Hơn nữa, người nước ngoài muốn sang Nhật làm việc phải đáp ứng đủ điều kiện xin visa cho loại nghề nghiệp mà mình ứng tuyển.
Có đến 19 loại thị thực cho phép người nước ngoài làm việc ở Nhật, nhưng nhìn chung, người Việt Nam chủ yếu theo 3 diện lưu trú sau:
- Thực tập sinh kỹ năng;
- Lao động kỹ năng đặc định;
- Kỹ sư/ Tri thức nhân văn/ Nghiệp vụ quốc tế.
Do đó, khi tuyển dụng người nước ngoài, các công ty Nhật Bản sẽ xem xét kỹ tính chất công việc và chấp nhận người lao động có visa thuộc một trong 3 diện kể trên. Ví dụ, đối với những vị trí yêu cầu làm việc tại chỗ (như tại nhà xưởng, công trường xây dựng,…), các công ty Nhật thường tuyển lao động có kỹ năng đặc định.
Để có được visa kỹ năng đặc định, bạn phải chuyển tiếp từ khóa đào tạo thực tập sinh kỹ năng hoặc vượt qua cả kỳ thi chứng chỉ ngành và kỳ thi năng lực tiếng Nhật JLPT, đồng thời nhận được lời mời làm việc từ một công ty.
Bước 2: Tuyển dụng người nước ngoài
Sau bước nghiên cứu sơ bộ, các công ty sẽ bắt đầu tuyển dụng. Có hai điều chính mà cả người lao động nước ngoài và công ty Nhật Bản cần lưu ý là:
- Về cơ bản, các luật và quy định về lao động và bảo hiểm dành cho người nước ngoài, được áp dụng giống như người Nhật.
- Cấm phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch hoặc phân biệt đối xử với người nước ngoài.
Do đó, để tránh lừa đảo, người lao động chỉ nên tìm việc tại những trang web chính thống và được công nhận bởi pháp luật như Minna No Tokugi.
Ngoài ra, tham khảo các trang web tuyển dụng khác tại bài viết này.
Bước 3: Sàng lọc hồ sơ xin việc/sơ yếu lý lịch
Khi số lượng đơn ứng tuyển gửi về đủ nhiều, các công ty Nhật Bản sẽ bắt đầu sàng lọc hồ sơ, nhằm lựa chọn ra những người lao động phù hợp và đưa họ vào vòng phỏng vấn.
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ chú ý đến những yếu tố như: kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, trình độ tiếng Nhật, kiến thức, kỹ năng,… trong quá trình xem xét hồ sơ xin việc của bạn.
Việc sàng lọc hồ sơ nhằm xem xét liệu bạn có đủ điều kiện xin visa lao động cũng như có thể làm việc được hay không. Do đó, bạn cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Đối với diện Kỹ sư/ Tri thức nhân văn/ Nghiệp vụ quốc tế:
Người lao động phải:
- Học vấn: Tốt nghiệp đại học (cao đẳng) trở lên, hoặc có chứng chỉ của trường nghề ở Nhật. Nếu không đáp ứng yêu cầu về học vấn, bạn phải có trên 10 năm kinh nghiệm.
- Kinh nghiệm làm việc: Phải liên quan đến chuyên ngành học.
Đối với diện kỹ năng đặc định (Tokutei Ginou):
Có hai lộ trình để lấy visa này là:
- Sau khi hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 (3 năm) hoặc chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 3 (5 năm) về ngành nghề có liên quan, bạn có thể chuyển sang visa Tokutei Ginou.
- Bạn đỗ kỳ thi chứng chỉ Tokutei của ngành nghề ứng tuyển và đỗ kỳ thi năng lực tiếng Nhật theo quy định.
Đối với diện Thực tập sinh kỹ năng
Loại hình visa này không yêu cầu cao về bằng cấp hay việc bạn có thi đỗ kỳ thi tiếng Nhật hay không. Nhưng bạn vẫn cần đảm bảo một số điều kiện sau:
- Tốt nghiệp cấp 2 trở lên;
- Sức khỏe tốt, không mắc các bệnh bị cấm nhập cảnh như: Viêm gan B/C, HIV, lao phổi,…
- Tiếng Nhật cơ bản;
- Không yêu cầu kinh nghiệm, nhưng một số đơn hàng cần tay nghề từ 6 tháng đến 2 năm trở lên.
Bước 4: Phỏng vấn
Những người lao động đã vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ thì sẽ tham gia phỏng vấn. Mục đích của buổi phỏng vấn là nhằm kiểm tra những yếu tố sau:
Trình độ học vấn và chuyên ngành
Theo nguyên tắc, trình độ học vấn (chuyên ngành học) của người lao động phải liên quan với nội dung công việc.
Khi bạn nộp đơn xin visa, bạn bắt buộc phải cung cấp giấy tờ hợp lệ, chứng nhận bạn đã tốt nghiệp hoặc bảng điểm.
Xác nhận thẻ cư trú
Đây là thủ tục rất phổ biến khi các công ty tuyển dụng người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật. Bạn sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ cư trú gốc tại thời điểm phỏng vấn để nhà tuyển dụng kiểm tra tên, tình trạng cư trú, thời gian lưu trú, địa chỉ mới nhất của bạn và liệu bạn có được phép tham gia vào các hoạt động khác ngoài những hoạt động được cho phép theo tư cách cư trú đã cấp trước đó hay không.
Ngoài ra, với những bạn lần đầu sang Nhật, thẻ lưu trú sẽ được cấp tại phòng quản lý xuất nhập cảnh của Nhật ngay khi bạn xuống sân bay.
Kiểm tra quá trình làm thêm
Hoạt động làm thêm rất phổ biến ở các bạn du học sinh tại Nhật. Tuy nhiên, bạn chỉ được phép làm việc bán thời gian trong phạm vi cho phép (tối đa 28 giờ một tuần).
Nếu làm thêm quá giờ quy định, bạn sẽ bị cấm gia hạn visa và trục xuất về nước. Do đó, trong quá trình phỏng vấn, các công ty cũng sẽ kiểm tra điều này.
Bước 5: Mời làm việc
Nếu bạn đã vượt qua tất cả các vòng trên và đậu công việc tại một công ty Nhật, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ gửi lời mời làm việc, cũng như hợp đồng lao động bằng tiếng Nhật và tiếng Việt (hoặc tiếng Anh) cho bạn. Trên hợp đồng sẽ nêu rõ mức lương được nhận, ngày nghỉ, quy định làm thêm giờ, tăng ca,…
Sau khi ký kết hợp đồng lao động, bạn sẽ nộp đơn xin visa hoặc chuyển sang visa mới phù hợp với công việc.
Bước 6: Chuẩn bị tiếp nhận
Ngay khi người lao động nước ngoài xin được visa làm việc, công ty sẽ thông báo ngày bắt đầu làm việc cho bạn, đồng thời chuẩn bị môi trường làm việc và sinh hoạt cho nhân viên mới. Thông thường, công ty sẽ chuẩn bị:
- Xây dựng chương trình đào tạo/giáo dục
- Sắp xếp nhà ở (tại công ty, ký túc xá,…)
- Hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng, hướng dẫn các quy tắc cơ bản để thích nghi với cuộc sống mới ở Nhật (như cách đi tàu điện, cách ứng phó với thiên tai,…)
- Đề xuất các trường cho bạn học tiếng Nhật,…
Bước 7: Thủ tục khai báo sau khi người nước ngoài gia nhập công ty
Quy trình tuyển dụng đến đây là kết thúc. Nhưng sau khi người nước ngoài đến công ty làm việc, công ty phải có trách nhiệm báo cáo tình trạng làm việc của người nước ngoài cho Cục quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, người lao động cũng phải khai báo cho Cục quản lý xuất nhập cảnh trong vòng 14 ngày nếu bạn chuyển việc, hoặc mới đến Nhật Bản làm việc.
Lời kết
Quy trình tuyển dụng của mỗi công ty Nhật Bản có thể khác nhau, nhưng nhìn chung, đều trải qua 7 bước cơ bản như trên. Nếu đã đậu việc và đậu visa thành công, bạn đừng quên dành thời gian tìm hiểu những thông tin hữu ích về Nhật Bản tại đây để sớm thích nghi với cuộc sống mới nhé!
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thắng
Vu
Khải