Đánh giá bài viết này:

10 nguyên tắc ứng xử phải biết khi đến du lịch Nhật Bản

2023.09.13

Người Việt có thành ngữ “nhập gia tùy tục” mỗi khi nói đến việc hòa nhập, thích nghi với môi trường sống mới. Bởi vậy, nếu ra nước ngoài, dù bất cứ lý do gì, chúng ta cũng nên tôn trọng và thuận theo văn hóa, phong tục của vùng đất đó.

Tìm hiểu nguyên tắc ứng xử khi đến du lịch Nhật Bản

Đặc biệt, với một nước có nhiều quy tắc và lễ nghi như Nhật Bản, hiểu biết các cách ứng xử văn minh ở nơi công cộng là điều rất quan trọng. Hôm nay, cùng mình tìm hiểu 10 nguyên tắc ứng xử phải biết khi đến du lịch Nhật Bản nhé!

1. Không xả rác

Một trong những thú vui khi tham quan các địa điểm du lịch đó là vừa đi dạo vừa thưởng thức các món ăn đường phố. Tuy nhiên, lưu ý không nên vứt rác bừa bãi sau khi ăn.

Kể từ sau vụ tấn công bằng khí độc trên tàu điện ngầm (năm 1995), nhiều nơi công cộng ở Nhật hiện nay không còn đặt thùng rác. Nhưng bạn có thể sử dụng các thùng rác đặt xung quanh điểm tham quan. Điển hình tại khu du lịch Shimizu và Arashiyama. Hoặc bạn có thể ăn uống tại cửa hàng để nhân viên thu dọn rác giúp.

2. Hút thuốc đúng nơi quy định

Ở Nhật, hút thuốc trên đường không chỉ là hành vi xấu mà còn vi phạm pháp luật. Nhiều thành phố, như Kyoto, hay Tokyo đã áp dụng lệnh cấm hút thuốc ở nơi công cộng ngoài trời, và mức phạt ước tính khoảng 1.000 yên cho trường hợp vi phạm.

Vì vậy, bạn nên hút thuốc đúng chỗ để tôn trọng người xung quanh. Chẳng hạn như nhà hàng hoặc các trung tâm thương mại sẽ cho phép hút thuốc trong các phòng hút thuốc được thiết kế riêng.

3. Không chen hàng

Người Nhật thích sự ngăn nắp, trật tự, nên hành vi chen hàng rất dễ gây khó chịu. Dù bạn có vội đến đâu, hãy cố gắng chờ đến lượt.

Học hỏi văn hóa xếp hàng khi đến du lịch Nhật Bản

4. Lưu ý những địa điểm cấm chụp ảnh

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia sở hữu nhiều ngôi chùa/đền đẹp với kiến trúc ấn tượng, thu hút không ít khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên, đền/chùa là chốn linh thiêng, cần được tôn trọng.

Người Nhật không thích việc ai đó chụp ảnh trực tiếp các tượng Phật hoặc vị thần. Một số nơi còn không mở cửa và đặt biển cấm chụp ảnh.

Vì vậy, trước khi ghé thăm đền/chùa ở Nhật, bạn nên tìm hiểu các quy định trước. Điển hình như chùa Fushimi Inari có cấp mã QR để du khách truy cập liên kết và nghe hướng dẫn bằng âm thanh (hỗ trợ cả tiếng Nhật, Anh, Trung và Hàn).

5. Cởi giày trước khi bước lên chiếu hoặc vào nhà

Từ lâu, văn hóa cởi giày trước khi vào nhà hoặc bước lên thảm Tatami (loại chiếu truyền thống ở Nhật) đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. “Nhập gia tùy tục”, nếu đến Nhật du lịch hoặc sinh sống, bạn nên rèn luyện khả năng quan sát nhạy bén để biết khi nào cần tháo giày.

Đó có thể là nơi công cộng như trường học, suối nước nóng, bên trong chùa chiền, nhà hàng truyền thống,… Cởi giày xong, hãy xếp gọn gàng vào các hộc kế bên.

6. Tránh gây ồn ào ở nơi công cộng

Mặc dù không ai có thể cấm bạn phấn khích hoặc cười đùa Vui với bạn bè, nhưng việc nói quá to thường bị xem là thói quen xấu nơi công cộng. Cần tránh gây ồn ào, làm phiền đến người xung quanh.

Nguyên tắc ứng xử ở Nhật là tránh gây ồn ào nơi công cộng

Ngoài ra, khi đi bộ, hãy hạn chế việc đi chậm, hoặc tụ tập một chỗ, làm cản trở đường đi của người khác.

7. Không lãng phí đồ ăn

Theo phép lịch sự, nếu nhóm bạn của bạn cùng đi ăn ở nhà hàng, mỗi người nên gọi một món. Việc chiếm nhiều chỗ ngồi nhưng không gọi đủ số món (căn cứ theo số người) hoặc mang đồ ăn bên ngoài vào là hành động gây ảnh hưởng xấu đến kinh doanh của nhà hàng.

Tuy nhiên, nếu gọi quá nhiều món, dẫn đến thừa đồ ăn cũng không phải là tốt. Người Nhật thường nói “Itadakimasu” trước khi ăn và “Gochisousama” sau bữa ăn để thể hiện sự biết ơn với đầu bếp cũng như những người đã góp phần tạo nên các nguyên liệu.

Hãy thể hiện lòng thành kính bằng cách ăn vừa đủ. Và không nên hủy ngang khi đã đặt chỗ trước vì sẽ rất lãng phí.

8. Không đưa tiền boa/tip

Tiền boa/tip phổ biến ở nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam. Nhiều người sẽ cho nhân viên nhà hàng, khách sạn hay tài xế taxi thêm một ít tiền và đó được xem là hành động tốt. Nhưng điều này không nên áp dụng với người Nhật. Kể cả bạn có boa, nhân viên cũng sẽ đuổi theo để trả lại cho bạn.

Nguyên nhân là do phí dịch vụ đã được tính vào hóa đơn thanh toán. Hơn nữa, người Nhật đề cao tinh thần “hiếu khách” và khi khách hàng hài lòng, danh tiếng của thương hiệu cũng được nâng cao.

Vì vậy, chỉ cần thể hiện lòng biết ơn của bạn bằng lời nói hoặc đánh giá tốt là đã đủ rồi.

9. Nhận đồ bằng hai tay

Không chỉ trong công việc, thói quen nhận đồ bằng hai tay của người Nhật còn thông dụng trong đời sống. Nhiều người sẽ nhận mọi thứ bằng cả hai tay, từ nhận hàng, tiền, đến quà tặng, danh thiếp,…

Làm quen với việc nhận bằng hai tay khi đến du lịch Nhật Bản

Tương tự, khi trao cho ai đó thứ gì bằng cả hai tay sẽ tạo ấn tượng lịch sự, và thể hiện sự trang trọng. Đối với người nước ngoài, đặc biệt là châu Âu có thể cảm thấy hành động này khá cường điệu, nhưng với người Nhật, đó lại là phép xã giao tốt.

10. Hạn chế sử dụng điện thoại trên xe buýt/tàu hỏa

Các phương tiện công cộng như tàu điện, tàu hỏa, xe buýt,… ở Nhật, thường rất đông đúc vào giờ cao điểm. Không chỉ trên tàu, mà tại các nhà ga cũng có vô số người qua lại. Việc chăm chú vào điện thoại di động chỉ khiến bạn mất tập trung, cản trở lối đi, tệ hơn là dễ té ngã, hoặc va vào người khác.

Ngoài ra, nếu nghe điện thoại hoặc mở loa to trên tàu, bạn sẽ làm phiền người xung quanh. Và đây là điều cấm kỵ mà hầu như không có người Nhật nào làm


Chuyển việc ở Nhật đã có Minna no Tokugi


Chia sẻ bài viết này


Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước

Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn

Mui tên lên Độ dốc vòng tròn