Đánh giá bài viết này:
2023.08.18
Tùy theo mục đích nhập cảnh, có rất nhiều loại visa được cấp ở Nhật Bản với thời gian lưu trú khác nhau. Visa cấp cho khách du lịch khác với visa dành riêng cho những người muốn đi xuất khẩu lao động.
Hơn nữa, những năm gần đây chứng kiến sự thiếu hụt lao động lớn tại Nhật. Vậy nên, chính phủ quốc gia này đã ban hành đa dạng các loại thị thực để thu hút lao động nước ngoài sang làm việc.
Bên cạnh các cơ hội việc làm hấp dẫn, tìm hiểu những loại visa mới cập nhật có thể giúp người trẻ Việt Nam “xuất ngoại” dễ dàng hơn.
Tokutei là gì?
Tokutei là cách gọi ngắn gọn của Tokutei Ginou, một loại thị thực (visa) mới được chính phủ Nhật Bản thông qua vào ngày 08/12/2018, nhưng có hiệu lực chính thức tính từ ngày 01/04/2019. “Tokutei Ginou” trong tiếng Việt có nghĩa là visa kỹ năng đặc định.
Đúng như tên gọi, loại thị thực này được cấp cho nguồn nhân lực nước ngoài có chuyên môn và kỹ năng cụ thể trong 14 ngành thiếu lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản.
Các ngành thuộc chính sách bao gồm (1) Nông nghiệp; (2) Hàng không; (3) Vệ sinh tòa nhà; (4) Xây dựng; (5) Điện – điện tử – viễn thông; (6) Ngư nghiệp; (7) Chế biến thực phẩm; (8) Điều dưỡng; (9) Khách sạn; (10) Công nghiệp máy móc; (11) Gia công chế tạo công nghiệp; (12) Nhà hàng; (13) Đóng tàu; (14) Bảo dưỡng xe ô tô.
Ngoài những ngành kể trên, một số ngành khác cũng đang được thảo luận để đưa vào hạng mục cấp phép.
Mục đích ra đời của Visa Tokutei
Trước khi áp dụng Tokutei Ginou, những người nước ngoài ở Nhật thường có tư cách lưu trú thuộc một trong 3 nhóm sau: (1) Thực tập sinh kỹ năng; (2) Du học sinh; (3) Kỹ sư – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế.
Theo thống kê của cục xuất nhập cảnh Nhật Bản, thực tập sinh kỹ năng chiếm tỷ lệ cư trú nhiều nhất trong số 3 nhóm người này, xấp xỉ 324.940 người (tính đến cuối năm 2022).
Tuy nhiên, thực tập sinh chỉ được phép tham gia vào các công việc do tổ chức quy định trong thời hạn đào tạo, sau đó phải trở về nước.
Nhằm điều kiện cho nhóm đối tượng này được quay lại Nhật làm việc, cũng như để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nước, chính phủ Nhật quyết định ban hành thị thực Tokutei Ginou, với thời gian lưu trú lâu hơn.
Các loại Visa Tokutei Ginou
Có 2 loại visa Tokutei Ginou, được cấp cho 2 nhóm đối tượng khác nhau:
Visa kỹ năng đặc định loại 1
Loại visa này áp dụng cho các đối tượng là thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình 01 – 03 năm trở về nước hoặc ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng và trình độ tiếng Nhật nhất định.
Thời gian lưu trú cho phép là 5 năm và không được bảo lãnh người thân sang Nhật trong thời gian làm việc.
Tuy nhiên, sau 5 năm, nếu nhóm đối tượng loại 1 thi đậu kỳ thi bắt buộc sẽ được chuyển đổi sang loại visa kỹ năng đặc định 2, cho phép gia hạn visa và đưa gia đình đến Nhật cùng lưu trú dài hạn.
Visa kỹ năng đặc định loại 2
Visa kỹ năng đặc định loại 2 dành cho người lao động thuộc loại 1 đã vượt qua kỳ thi đánh giá do Nhật tổ chức.
Ưu điểm của visa này là cho phép gia hạn với số lần không giới hạn và có thể xin thị thực thường trú trong tương lai. Ngoài ra, đối tượng loại 2 được bảo lãnh gia đình sang Nhật sinh sống.
Sự khác biệt giữa chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng và công nhân có tay nghề đặc định
Bên cạnh visa kỹ năng đặc định, những người muốn xin thị thực để làm việc tại Nhật có thể tham gia chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng.
Chương trình chính thức có hiệu lực vào năm 1993, và được thiết kế để chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức thông qua đào tạo tại chỗ tại Nhật Bản.
Mục đích nhằm tạo cơ hội việc làm cho lao động từ các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng trưởng kinh tế trong khu vực.
Thị thực cấp cho thực tập sinh kỹ năng được gọi là “Ginou Jisshu” trong tiếng Nhật. Và nó có sự khác biệt đáng kể với loại visa kỹ năng đặc định (Tokutei Ginou). Cùng tìm hiểu cụ thể bên dưới.
Mục đích
Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng chỉ nhằm chuyển giao kỹ năng và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển.
Lao động nước ngoài sẽ học hỏi những công nghệ tiên tiến ở Nhật, sau đó, mang về quê hương áp dụng để giúp phát triển kinh tế nước nhà.
Trong khi đó, chương trình visa kỹ năng đặc định là để thu hút lao động nước ngoài, “bù đắp” tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Nhật Bản.
Cơ hội nghề nghiệp
Thực tập sinh nước ngoài có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau (cụ thể lên đến 146 công việc trong 82 lĩnh vực). Trong khi đó, lao động có tay nghề đặc định được tiếp nhận trong phạm vi 14 ngành nghề.
Thực tập sinh và lao động lành nghề có thể cùng nộp đơn xin việc cho một vị trí (ví dụ trong nông nghiệp), nhưng mức lương được trả sẽ khác nhau.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành chương trình thực tập, các thực tập sinh có thể chuyển sang diện lao động có kỹ năng đặc định. Tuy nhiên, họ phải gắn bó với lĩnh vực đang làm việc.
Thay đổi công việc
Chỉ những lao động có kỹ năng đặc định mới được phép chuyển đổi công việc trong cùng ngành hoặc chuyển sang lĩnh vực khác tùy thuộc vào kỹ năng được các tổ chức công nhận.
Ngược lại, những thực tập sinh kỹ năng không được thay đổi công ty làm việc, trừ trường hợp đặc biệt như doanh nghiệp phá sản.
Bảo lãnh gia đình
Cả thực tập sinh kỹ năng và lao động kỹ năng đặc định loại 1 đều không thể đón gia đình cùng sang Nhật sinh sống. Chỉ nhóm đối tượng lao động kỹ năng đặc định loại 2 mới được hưởng đặc quyền đó.
Thực trạng tiếp nhận Tokutei Ginou ở Nhật
Trước thực trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở Nhật, nhu cầu tuyển dụng và tiếp nhận Tokutei Ginou ngày càng tăng. Tính đến cuối tháng 2 năm 2024, có khoảng 224.000 người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản với tư cách Tokutei Ginou.
Trong đó:
- Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống: 61.095 người.
- Ngành sản xuất vật liệu, máy móc công nghiệp và điện/điện tử: 40.069 người.
- Ngành chăm sóc điều dưỡng (Kaigo): 28.400 người.
- Ngành xây dựng: 24.433 người.
Tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng chỉ tiêu đề ra vào năm 2019 khi hệ thống Tokutei mới thành lập. Đó là tiếp nhận 345.000 người trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019 – 2024). Nguyên nhân là do:
- Các điều kiện để đăng ký, và tiếp nhận hồ sơ xin tư cách lưu trú Tokutei Ginou khá phức tạp.
- Hoạt động tổ chức kỳ thi đánh giá tay nghề, trong các ngành tiếp nhận Tokutei vẫn còn diễn ra chậm trễ.
- Cả người lao động nước ngoài và công ty tuyển dụng ở Nhật đều thiếu hiểu biết về hệ thống Tokutei, cũng như biết cách phân biệt giữa hệ thống Tokutei và thực tập sinh.
Lời kết
Tóm lại, bài viết này đã cung cấp một số hướng dẫn cơ bản về visa Tokutei. Hy vọng các thông tin trên giúp ích cho bạn trong quá trình chuẩn bị xuất, nhập cảnh tại Nhật Bản.
Để hiểu rõ hơn về loại thị thực này cũng như cập nhật các cơ hội việc làm hấp dẫn tại Nhật, hãy theo dõi những bài viết sắp tới của chúng tôi.
Tìm kiếm thêm công việc Tokutei ưng ý tại đây
Tư vấn viên sẽ hướng dẫn bạn tận tình từ khâu tìm việc cho đến khi bạn trở về nước
Tư vấn viên người Việt Nam sẽ hỗ trợ bạn
Thắng
Vu
Khải