Rate this article:

Tìm hiểu văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Nhật Bản

2023.10.12

Mỗi quốc gia có những đặc trưng riêng về phong tục, tập quán. Vậy nên, khi làm khách ở một đất nước xa lạ, chúng ta phải tôn trọng bản sắc văn hóa nơi đó, dù có đôi chút khác biệt với quê hương mình.

Đối với người Nhật, họ tôn trọng cuộc sống cá nhân của người khác, và đề cao sự đoàn kết tập thể. Từ thành thị đến nông thôn, từ trường học đến công ty, đều có nhiều quy tắc được thông báo bằng văn bản hoặc cả những quy tắc “bất thành văn” mà bạn phải ngầm hiểu.

Văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Nhật Bản

Nơi “đất chật người đông” khó tránh khỏi những va chạm. Vậy làm sao để ứng xử tốt nơi công cộng? Cùng tìm hiểu trong bài viết nhé!

1. Khi đi thang cuốn

Thang cuốn tại Nhật luôn chia thành hai phía: một bên để đứng và bên còn lại dành cho người cần đi lên/xuống. Khi đi thang cuốn, bạn lưu ý không nên đứng dàn ngang thành hàng hai, hàng ba, để tạo lối đi cho người khác. Điều này áp dụng ở bất kỳ địa điểm công cộng nào (như nhà ga, trung tâm thương mại, siêu thị, điểm tham quan,…).

Ngoài ra, ở hầu hết các nơi, người Nhật sẽ đứng phía bên trái trên thang cuốn, còn bên phải dành cho người đang vội. Nhưng riêng Osaka thì ngược lại, mọi người đứng bên phải, và để trống bên trái cho người đang vội.

Ngoài ra, bạn cần tuân thủ quy tắc dưới đây để duy trì trật tự và sự tôn trọng khi đi thang cuốn:

  • Tránh nói chuyện to tiếng, bật nhạc, hoặc làm ồn.
  • Tắt tiếng điện thoại di động để tránh làm phiền người khác.
  • Không đứng chiếm chỗ ở hai đầu thang cuốn.
  • Xếp hàng theo thứ tự để lên thang cuốn, và tuyệt đối không chen lấn.
  • Ở sân bay, ga tàu,… thang máy chỉ dành cho người nhiều đồ đạc, trẻ em, người già. Nếu không thuộc nhóm này, bạn vui lòng chỉ dùng thang bộ hoặc thang cuốn.
  • Ở những nơi trang bị thang cuốn dành riêng cho xe đẩy em bé/xe lăn, bạn không nên sử dụng nếu không thuộc hai trường hợp này.

Ứng xử văn minh nơi công cộng khi đi thang cuốn

2. Khi đi tàu/xe buýt

Khi đi tàu hoặc xe buýt ở Nhật Bản, có nhiều quy tắc về văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Nhật mà bạn cần tuân thủ sau đây:

  • Trong khi chờ tàu hoặc xe buýt đến, hãy xếp hàng ngay ngắn và đứng sang một bên để nhường đường cho người trên tàu/xe buýt xuống trước. Sau đó, bạn có thể từ từ lên phương tiện theo thứ tự.
  • Nhường chỗ cho người ưu tiên: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.
  • Không chiếm chỗ, gác chân khi ngồi trên tàu/xe buýt.
  • Không làm ồn, vứt rác bừa bãi, hút thuốc.
  • Hạn chế việc ăn uống.

3. Khi đi siêu thị

Đi siêu thị ở Nhật, bạn được thoải mái mang ba lô, túi xách vào, lựa chọn đồ muốn mua, sau đó mới trả tiền. Tuy nhiên, có một số điểm quan trọng mà bạn cần lưu ý:

  • Xếp hàng là văn hóa, thói quen hàng ngày của người Nhật dù ở bất cứ đâu. Ngay cả khi chờ thanh toán ở siêu thị, bạn cũng nên xếp hàng và giữ trật tự.
  • Người Nhật tối kị việc làm phiền người khác. Do đó, nếu đã đến quầy thanh toán, hãy giữ im lặng và ngừng thảo luận về việc nên mua cái này cái kia.
  • Khi bạn đứng ở lối vào/ra của siêu thị, hãy đảm bảo không cản trở dòng người.
  • Kể từ tháng 7/2020, chính phủ Nhật Bản quy định các điểm bán lẻ thu phí tiền bao ni lông. Do đó, bạn nên tự mang túi đựng đồ siêu thị để tiết kiệm nhé.

Xếp hàng – văn hóa nơi công cộng quan trọng

4. Khi đi ăn

Dưới đây là một số điểm quan trọng trong văn hoá ứng xử của người Nhật khi đi ăn:

  • Khi bạn đến một nhà hàng hoặc địa điểm ăn ở Nhật Bản, hãy chào hỏi nhân viên hoặc chủ nhà. Khi rời khỏi nơi đó, hãy bày tỏ lòng biết ơn bằng cách nói lời cảm ơn về bữa ăn.
  • Tiếng “sụp xoạp” khi ăn các món bún, mỳ, miến không bị coi là bất lịch sự ở Nhật Bản. Thậm chí, người ta tin rằng tiếng này có thể tạo ra cảm giác ngon miệng.
  • Trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, việc rót nước hoặc rượu cho người bên cạnh không chỉ là phép lịch sự mà còn thể hiện sự quan tâm và sẵn lòng sẻ chia.
  • Ở các nhà hàng tự chọn (buffet), người Nhật thường ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Hiếm khi thấy tình huống lấy quá nhiều thức ăn rồi bỏ thừa. Việc này được coi là lãng phí và không lịch sự.
  • Nhật Bản không có văn hóa gửi tiền boa/tip như nhiều quốc gia khác. Người Nhật xem hành động đó là sự sỉ nhục, vì họ cung cấp dịch vụ bằng tấm lòng. Tiền bạc phải đến từ thành quả lao động.

Lưu ý ở một số tiệm ăn nhỏ, để tiết kiệm chi phí, người ta sẽ bán vé suất ăn thay vì ngồi vào bàn mới gọi món. Vì vậy, bạn nên xem menu và mua vé tại máy bán tự động trước, sau đó mới đưa cho nhân viên để họ chuẩn bị món.

5. Khi xã giao với người khác

Dưới đây là một số quy tắc xã giao quan trọng trong văn hóa Nhật Bản:

Về việc cầm ô

Vào những ngày mưa, nếu bạn cầm ô và đứng đối diện ai đó, hãy nghiêng ô ra ngoài để tránh không làm ướt người ta. Giữ ô cách xa người khác cũng là việc nên làm.

Về giao tiếp

  • Chào hỏi được xem là một phần không thể thiếu trong đời sống. Người Nhật thường cúi đầu khi chào hỏi, luôn nói cảm ơn và xin lỗi trong mọi trường hợp.
  • Tránh việc hỏi về tuổi của người đang nói chuyện với bạn, và hạn chế việc sử dụng ngón tay để chỉ vào người khác.
  • Ngoại trừ những mối quan hệ thân thiết như người yêu, vợ chồng, hoặc con cái, bạn không nên động chạm vào người khác khi đang nói chuyện.

Chào hỏi là văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Nhật

Về tặng quà

  • Khi tặng quà, tránh tặng những món đồ quá đắt tiền hoặc xa xỉ. Thay vào đó, hãy chọn những món quà hữu ích và có giá trị vừa phải hoặc những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mang từ Việt Nam sang.
  • Không nên tặng quà khi bạn đang nhờ người Nhật giúp đỡ bạn làm một việc gì đó, vì đây là hành động hối lộ.
  • Người Nhật ngại việc nhận quà nhưng sau đó không thực hiện được lời hứa giúp đỡ.

6. Không vứt rác ở nơi công cộng

Văn hóa ứng xử cơ bản của người Nhật Bản là không vứt rác ở nơi công cộng. Ngoài ra, lưu ý những điều sau:

  • Hãy vứt rác đúng ngày, giờ và vứt vào đúng chỗ theo quy định tại nơi sinh sống. Nếu làm sai, rác của bạn sẽ không được thu gom, hoặc thậm chí phạt tiền.
  • Hầu hết các nơi công cộng ở Nhật không đặt thùng rác. Do đó, người Nhật khi ra ngoài thường mang theo túi đựng rác để dễ thu gom, sau đó mang rác của mình về nhà xử lý, hoặc tìm nơi phù hợp để vứt.
  • Ở Nhật, các loại rác phổ biến được phân thành 3 loại: rác cháy được, rác không cháy được, và rác tái chế (ngoài ra còn có rác cồng kềnh và rác thu gom). Do đó, bạn nên lựa chọn thùng rác phù hợp để vứt rác của mình.

Kết luận

Tìm hiểu văn hóa ứng xử nơi công cộng ở Nhật giúp cuộc sống của bạn dễ dàng và thoải mái hơn. Song song với việc tuân thủ những nguyên tắc ứng xử này, bạn cũng nên liên tục cải thiện tiếng Nhật để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè ngoại quốc và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Bạn có thể sẽ muốn biết thêm văn hóa giao thông của người Nhật tại đây


この記事をシェアする


仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。

日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。

Arrow up Circle gradient