Rate this article:
2025.04.09
Khi nhắc đến “hội thảo”, chúng ta thường dễ hình dung về một buổi thuyết trình trước đám đông của diễn giả nổi tiếng, hay giáo sư nào đó. Tuy nhiên, ở Nhật, hội thảo là chương trình học bắt buộc, mà sinh viên phải tự mình nghiên cứu chủ đề, thảo luận nhóm và thuyết trình (dưới sự hướng dẫn của giáo sư).
Vậy hội thảo tại trường đại học của Nhật có gì đặc biệt? Cùng Mintoku Work tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Buổi hội thảo ở trường đại học dưới sự hướng dẫn của giáo sư
Hội thảo ở trường đại học là gì?
Hội thảo (ゼミ) hay Seminar là một hình thức lớp học được tổ chức theo nhóm nhỏ, nơi sinh viên có thể tương tác với bạn bè và giảng viên nhiều hơn các buổi học bình thường.
Hầu hết khoa nghệ thuật tự do của các trường đại học đều có chương trình hội thảo. Mặt khác, đối với các ngành khoa học, hội thảo được gọi bằng tên khác là “phòng thí nghiệm”.
Sinh viên làm gì trong hội thảo?
Phương pháp dạy này thường bắt đầu áp dụng kể từ năm đào tạo thứ hai hoặc thứ ba ở trường đại học. Một số trường bắt buộc sinh viên phải tham gia hội thảo, nhưng một số khác thì không.
Trong thời gian hội thảo, sinh viên sẽ tiến hành nghiên cứu về một chủ đề cụ thể dưới dạng bài tập, thảo luận nhóm và thuyết trình (có sự hướng dẫn của giáo sư).
Các chủ đề nghiên cứu phải phù hợp với chuyên ngành học như văn học, xã hội học, kinh tế, nghệ thuật, ngôn ngữ,… Tuy nhiên, nếu muốn, bạn vẫn có thể tham gia buổi hội thảo nghiên cứu về những chủ đề khác với khoa hoặc chuyên ngành mà bạn đang theo đuổi.
Làm việc nhóm trong buổi hội thảo
Quy mô của hội thảo
Số lượng người tham gia hội thảo khác nhau tùy thuộc vào quy mô của trường đại học, có thể lên đến hàng chục hoặc hàng trăm người, nhưng thường khoảng từ 10 đến 20 người.
Và về cơ bản, đây là một hệ thống nhóm nhỏ. Thậm chí, một số hội thảo chỉ có một vài người tham gia. Hội thảo thường được tổ chức khoảng một lần một tuần.
Điều khác biệt giữa hội thảo với các lớp học truyền thống là sinh viên chỉ tiếp thu kiến thức một chiều từ giảng viên trong các buổi học thông thường.
Nhưng khi tham gia hội thảo, sinh viên phải chuẩn bị cẩn thận từ trước đó, bao gồm làm bài tập, tự học, soạn thảo slide thuyết trình,…
Lợi ích của việc tham gia hội thảo
Các buổi hội thảo không chỉ là cơ hội để sinh viên mở rộng kiến thức chuyên ngành, mà còn học thêm nhiều kỹ năng mềm hữu ích như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm,… và rèn luyện tư duy logic, khả năng nghiên cứu, tổng hợp thông tin,…
Đây đều là những tố chất được yêu cầu trong quá trình xin việc làm. Ngoài ra, đến các buổi hội thảo, bạn sẽ có cơ hội mở rộng mối quan hệ với tiền bối, hậu bối hay bạn bè đồng trang lứa.
Những mối quan hệ này sẽ giúp ích cho bạn không chỉ ở môi trường học tập, mà còn trên con đường phát triển sự nghiệp về sau. Ví dụ: giảng viên có thể giới thiệu việc làm cho bạn, cựu sinh viên ở hội thảo có thể quen biết đồng nghiệp của bạn,…
Cần chú ý đến điều gì khi lựa chọn hội thảo?
Hãy làm phong phú thêm cuộc sống thời sinh viên bằng cách tham gia các hội thảo. Dưới đây là bí quyết lựa chọn hội thảo phù hợp:
Lựa chọn theo lĩnh vực quan tâm
Hãy lựa chọn lĩnh vực bạn quan tâm hoặc giúp hiểu thêm về chuyên môn của mình. Với những kiến thức mới, bạn có thể tận dụng trong quá trình giải quyết bài tập và luận văn tốt nghiệp.
Nếu bạn đăng ký các buổi hội thảo chỉ vì nó nổi tiếng hoặc muốn đi chung với bạn bè, bạn có thể cảm thấy không hài lòng.
Hội thảo có thành tích nghiên cứu
Các hội thảo được biết đến nhờ thành tích nghiên cứu về một chủ đề cụ thể, thường thu hút rất đông sinh viên xuất sắc dưới sự hướng dẫn của các giáo sư kỳ cựu.
Vì vậy, với những sinh viên hướng đến mục tiêu tìm hiểu phương pháp nghiên cứu và đạt kết quả cao trong các cuộc thi, các bạn nên tham gia hội thảo như thế này để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Ngoài ra, có một số trường hợp sinh viên được gửi đến các công ty nổi tiếng sau khi đạt thành tích cao. Tại những buổi hội thảo, cựu sinh viên có thể nhận lời khuyên liên quan đến hành trình tìm kiếm việc làm.
Cân nhắc đến danh tiếng của giáo sư
Bạn có thể tìm hiểu danh tiếng cũng như phương pháp giảng dạy của giáo sư đứng lớp hội thảo trước khi đăng ký. Thông thường, hội thảo sẽ diễn ra trong nhóm nhỏ, nên chúng ta có nhiều cơ hội trao đổi cũng như giữ mối quan hệ với giáo sư.
Sinh viên cần có kỹ năng thuyết trình trước đám đông
Mẫu câu trả lời lý do đăng ký hội thảo
Để đăng ký tham gia hội thảo, sinh viên cần điền thông tin (trong đó, yêu cầu nêu rõ lý do). Tham khảo ngay các mẫu lý do sau đây để gây ấn tượng nhé!
Ví dụ 1:
私は、人口減少時代における外国人労働者の受け入れに興味があります。少子高齢化に伴う労働人口の減少によって、外国人労働者の受け入れをさらに進めるべきかどうかという問題が注目されています。その一方で、外国人労働者を受け入れるための労働環境や社会保障などは整備されているとは言えません。外国人労働者が日本経済の発展に貢献するためには、どのような政策が求められるのか。外国人労働者をテーマにした著書や論文が多い〇〇教授の下でぜひ勉強したいと考え、本ゼミを志望いたしました
Tôi quan tâm đến việc tiếp nhận lao động nước ngoài trước thực trạng dân số suy giảm ở Nhật hiện nay. Khi lực lượng lao động giảm do tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên tiếp tục chấp nhận lao động nước ngoài hay không. Bài toán này vẫn đang được nhiều người quan tâm, bàn luận.
Mặt khác, không thể nói rằng môi trường và hệ thống an sinh xã hội ở Nhật đã hoàn hảo để người nước ngoài sinh sống lâu dài. Cần có chính sách gì để người lao động nước ngoài đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản?
Tôi đăng ký tham gia hội thảo này vì tôi muốn được học hỏi thêm nhiều điều dưới sự hướng dẫn của Giáo sư 〇〇, người đã viết nhiều sách và bài báo về chủ đề lao động nước ngoài.
Ví dụ 2:
私はニーチェに強い興味を持っています。中学生の頃に『ツァラトゥストラはこう言った』に出合ってから、哲学に関心を持ちました。これまでニーチェの著作をはじめ、哲学・思想関係の書籍を多数読んできましたが、自分の解釈が正しいのか、難解でわからない部分もあります。私は、ニーチェ研究の第一人者として知られる〇〇教授のゼミに入るために、△△大学に入学しました。〇〇教授の下でニーチェについて研究し、ニーチェの思想に対する理解を深めたいと考え、本ゼミを志望いたしました
Tôi rất thần tượng nhà triết học Friedrich Nietzsche kể từ sau khi đọc xong cuốn sách “Zarathustra đã nói như thế” (Thus Spoke Zarathustra). Thời điểm đó, tôi chỉ là học sinh cấp 2, nhưng cuốn sách đã thu hút và khơi dậy sự quan tâm đến triết học của tôi.
Tuy nhiên, dù đọc nhiều sách liên quan đến triết học và tư tưởng, trong đó có cả các tác phẩm của Nietzsche, nhưng vẫn có một số phần gây khó hiểu và tôi không chắc chắn cách suy nghĩ của mình có đúng hay không.
Tôi vào Đại học △△ để tham dự hội thảo của Giáo sư 〇〇, người được biết đến là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu của Nietzsche.
Tôi đăng ký tham gia hội thảo này vì tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về Nietzsche dưới sự hướng dẫn của Giáo sư 〇〇 và khám phá tư tưởng của Nietzsche.
Lời kết
Các buổi hội thảo ở trường đại học nhằm mục đích thúc đẩy đam mê nghiên cứu, kích thích sự tò mò, khuyến khích việc tương tác nhiều hơn giữa sinh viên với sinh viên cũng như các giáo sư.
Mặt khác, cuộc sống sinh viên cũng sẽ trở nên phong phú hơn. Và những kiến thức bạn học được là tài sản theo bạn suốt đời, giúp bạn phát triển sự nghiệp thành công hơn trong tương lai.
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Takeshi
Ai
Daisuke