Rate this article:

Thực trạng ngành hàng không ở Nhật

2025.02.18

Sau đại dịch Covid, nhu cầu tuyển dụng nhân viên dịch vụ mặt đất, thợ bảo dưỡng máy bay, phi công,… trong ngành hàng không ngày càng tăng, nhờ chính sách đẩy mạnh du lịch của chính phủ như sửa chữa đường băng, tăng số lượng chuyến bay,…

Mặt khác, đi máy bay giá rẻ đang là xu hướng mới, dự kiến sẽ làm bùng nổ doanh thu trong toàn ngành hàng không trong tương lai.

Ngành hàng không ở Nhật đang phục hồi sau đại dịch

Hàng không là gì?

Hàng không (航空業界) là ngành nghề kinh doanh thông qua việc vận chuyển hành khách, hàng hóa trong nước và quốc tế bằng máy bay. 

Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống tại sân bay, ví dụ như chuẩn bị bữa ăn trên chuyến bay, cũng là một lĩnh vực của ngành hàng không.

Phân loại các hãng hàng không

Ở Nhật, có 3 loại hình hãng hàng không chính là:

FSC(フルサービスキャリア)

FSC là viết tắt của Full Service Carrier, hãng hàng không khai thác nhiều đường bay và cung cấp dịch vụ chất lượng cao, với nhiều hạng ghế khác nhau như hạng nhất (First Class), thương gia (Business Class), phổ thông đặc biệt (Premium Class) và phổ thông (Economy Class), đã bao gồm bữa ăn và đồ uống.

FSC đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thành phố và khu vực trên thế giới, vì họ hợp tác với các hãng hàng không khác để bay đến nhiều địa điểm khác nhau.

All Nippon Airways (ANA), Japan Airlines (JAL),… được biết đến là những FSC điển hình tại Nhật Bản.

LCC(ローコストキャリア)

LCC là viết tắt của Low Cost Carrier, có nghĩa là dịch vụ hàng không giá rẻ. Các doanh nghiệp LCC thường phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm chi phí để cung cấp giá cước vận tải thấp, nhằm chiếm ưu thế cạnh tranh về giá so với FSC.

Ví dụ: Họ giới hạn số lượng máy bay sử dụng, cắt giảm chi phí đào tạo phi công và thợ bảo dưỡng, chỉ khai thác trên các tuyến đường bay có số lượng hành khách cao nhất.

Ngoài ra, nhằm giữ cho giá vé máy bay rẻ, LCC áp dụng cách tính phí dịch vụ trên chuyến bay và hình thức bán vé trực tuyến.

Do đó, LCC cung cấp mức giá thấp, nhưng có nhược điểm như phí ký gửi hành lý cao, việc nối chuyến bất tiện,….

MCC(ミディアムコストキャリア)

MCC là các hãng hàng không có giá cả trung bình, nằm trong khoảng giữa của LCC và FSC. Để làm được điều đó, họ tìm cách tối ưu, mang đến chất lượng dịch vụ cao hơn LCC, nhưng không đến mức sang trọng như FSC.

Nhờ vậy, khách hàng có thể đi du lịch thoải mái trong khoảng ngân sách đặt ra. 

Các hãng hàng không ở Nhật – FSC cung cấp dịch vụ chất lượng cao

Thực trạng ngành hàng không ở Nhật

Số lượng khách quốc tế

Giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh (năm 2020 – 2022) là thời điểm khó khăn với ngành hàng không thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Số lượng khách đi máy bay giảm đáng kể do giãn cách xã hội và hạn chế nhập cảnh.

Tuy nhiên, từ năm 2023, số lượng khách du lịch ghé thăm Nhật Bản đã tăng trở lại (chỉ tính riêng Tokyo, đã đạt xấp xỉ 19,54 triệu lượt, cao hơn 28,7% so với năm 2019). 

Ngoài ra, số lượng hành khách trên các chuyến bay quốc tế đạt khoảng 17,66 triệu người, tăng đáng kể (~85,7% so với năm trước). Trong khi đó, ước tính số tiền chi tiêu của khách du lịch quốc tế là khoảng 2.758,6 tỷ Yên vào năm 2023.

Số lượng khách nội địa

Trong giai đoạn dịch Covid, số lượng hành khách nội địa của Nhật cũng giảm, nhưng đã dần hồi phục lại sau khi hết giãn cách xã hội.

Theo khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch, số lượng hành khách trên các chuyến bay nội địa trong năm 2023 là khoảng 104,81 triệu lượt, tăng 15,6% so với năm trước.

Xu hướng ngành hàng không trong tương lai

Tăng số lượng chuyến bay

Trong những năm gần đây, ngành hàng không Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách, nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, như tăng số lượng chuyến bay nội địa, sửa chữa đường băng,…

Tất cả đều nhắm đến mục tiêu gia tăng số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Nhật Bản lên 60 triệu người vào năm 2030.

Vì kế hoạch này của chính phủ, nên thời gian hoạt động (cất cánh/hạ cánh) của máy bay tại Sân bay Quốc tế Narita được kéo dài đến nửa đêm.

Mặt khác, sân bay Haneda đã bắt đầu khai thác đường bay mới, kể từ ngày 29/03/2020 và nỗ lực tăng cường sử dụng máy bay chở khách, cũng như tăng số lượng chuyến bay quốc tế.

Nhân viên dịch vụ mặt đất trong ngành hàng không ở Nhật

Tăng số lượng LCC

Với sự tham gia của các hãng hàng không LCC mới, nhu cầu di chuyển bằng máy bay cũng tăng lên nhanh chóng.

Hơn nữa, để đảm bảo ngân sách, nhiều người có xu hướng lựa chọn LCC khi đi du lịch. 

Hiện nay, Japan Airlines (JAL) đã bắt đầu triển khai chiến lược LCC, lấy Sân bay Narita làm trung tâm. Trong tương lai, việc các công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh giá vé máy bay giá rẻ sẽ ngày càng nhiều.

Thực trạng thiếu hụt lao động trong ngành hàng không

Vấn đề thiếu hụt lao động không phải mới xảy ra ở Nhật, và ngành hàng không cũng không ngoại lệ. Hiện nay, hai vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là:

Phi công (パイロット)

Không chỉ ngành hàng không Nhật Bản, mà ngành hàng không cả thế giới đang “săn đón” các phi công, do sự phát triển mạnh mẽ của LCC, cũng như mở rộng đường bay. Ở Nhật, đã có một số trường hợp phải tạm dừng chuyến bay do thiếu phi công.

Vì vậy, các hãng hàng không đã áp dụng nhiều chính sách để thu hút nhân lực như tăng lương cho phi công, nâng cao hệ thống đào tạo, cấp học bổng,…

Nhân viên nghiệp vụ mặt đất (空港グランドスタッフ)

Khi việc di chuyển bằng máy bay phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tuyển dụng nhân viên dịch vụ mặt đất lại tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vị trí này chưa được nhiều người nước ngoài hứng thú, bởi vì công việc yêu cầu thể lực lớn. Bạn có thể phải nâng vật nặng ở ngoài trời suốt cả ngày.

Để giảm bớt tính chất khắc nghiệt, cải thiện môi trường làm việc cho các nhân viên mặt đất, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch quyết định triển khai nhiều sáng kiến ​​như nâng cao gói phúc lợi, đảm bảo nhà ở cho nhân viên gần sân bay,…

Ngoài ra, các hãng hàng không tích cực mở rộng nguồn lao động nước ngoài theo diện Tokutei Ginou để tránh tình trạng thiếu lao động. Vì vậy, sắp tới, sẽ có nhiều đơn hàng Tokutei dịch vụ mặt đất. Hãy theo dõi Mintoku Work để cập nhật nhé!

Lời kết

Nhìn chung, ngành hàng không Nhật Bản đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 nhờ sự gia tăng nhu cầu du lịch, và sự xuất hiện của các dịch vụ máy bay giá rẻ. Người dân có thể đi du lịch tiết kiệm hơn. 

Mặt khác, nhu cầu tuyển dụng nhân viên dịch vụ mặt đất và phi công cũng gia tăng mạnh mẽ, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Khác với phi công, công việc dịch vụ mặt đất không yêu cầu kiến thức, kỹ năng, hay kinh nghiệm chuyên sâu.

Bạn có thể theo dõi Mintoku Work thường xuyên để tìm hiểu thêm về các đơn hàng Tokutei dịch vụ mặt đất nhé!


この記事をシェアする


仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。

日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。

user avatar

Takeshi

user avatar

Ai

user avatar

Daisuke

Arrow up Circle gradient