Rate this article:
2023.11.29
Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng về phong cách làm việc thận trọng, chú ý đến từng chi tiết, thậm chí là hơi khó tính, khắt khe. Điều này khiến nhiều bạn cảm thấy lo lắng khi phỏng vấn với các sếp người Nhật. Chỉ cần một câu nói vô ý, hoặc thái độ thiếu đứng đắn cũng có thể là nguyên do dẫn đến việc bị bạn đánh rớt.
Vậy làm sao để tránh những lỗi sai không đáng có như vậy? Hãy cùng tìm hiểu những lỗi phỏng vấn thường gặp trong bài viết này để chuẩn bị cho tốt nhé!
Tác phong đi phỏng vấn chưa phù hợp
Dù đi phỏng vấn xin việc ở bất kỳ công ty nào, vẻ bề ngoài luôn là yếu tố đầu tiên, giúp bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Họ sẽ nhìn vào quần áo, đầu tóc, lớp trang điểm,… của bạn để đánh giá xem bạn có phải là người cẩn thận, tỉ mỉ, và có chuẩn bị nghiêm túc cho buổi phỏng vấn hôm nay hay không.
Vì vậy, nếu bạn gây ấn tượng tốt từ cái nhìn đầu tiên, buổi phỏng vấn sau đó sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Lưu ý những điểm sau đây khi chuẩn bị cho vẻ bề ngoài:
- Màu sắc trang phục phù hợp, ví dụ đen, xanh nước biển, xám, trắng,…
- Nên mặc quần áo trang trọng như vest, áo sơ mi, váy dài ngang gối (đối với nữ),…
- Nữ giới buộc/búi tóc gọn gàng, trang điểm nhẹ; Nam giới cần cạo râu sạch sẽ trước buổi phỏng vấn.
- Hạn chế mang nhiều phụ kiện trên người.
- Tránh dùng nước hoa quá nồng, hoặc để mùi hôi cơ thể dễ nhận biết.
Cách ứng xử gây ấn tượng xấu
Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia với nhiều lễ nghi, quy tắc ứng xử phức tạp, từ trong cuộc sống hàng ngày đến chốn văn phòng, công sở. Vậy nên những người nước ngoài rất dễ gây ấn tượng xấu nếu không biết những điều này khi đi phỏng vấn công ty Nhật.
- Đi trễ là điều tối kỵ ở xứ sở “hoa anh đào”. Đặc biệt, khi đi phỏng vấn, bạn nên đến sớm ít nhất 15 phút để thông báo cho tiếp tân hoặc nhà tuyển dụng hôm đó biết.
- Trong lúc chờ phỏng vấn, bạn nên tránh trò chuyện to tiếng, làm ồn, hoặc chỉ chăm chú nhìn vào điện thoại mà không quan sát xung quanh. Nhà tuyển dụng có thể đã chú ý đến hành động của bạn từ lúc bạn bước vào.
- Gõ cửa 2 lần là để kiểm tra phòng trống trong nhà vệ sinh, còn gõ cửa 3 lần là để xin phép vào phòng. Vậy nên hãy chú ý gõ đúng số nhịp để xin phép vào phòng phỏng vấn một cách lịch sự nhé!
- Gõ cửa xong, hãy đợi nhà tuyển dụng cho phép “どうぞ” (xin mời), bạn mới nên bước vào.
- Đừng quên nói はじめまして (Hajimemashite – Rất vui được gặp bạn) với nhà tuyển dụng trong lần gặp mặt đầu tiên nhé.
- Luôn cúi người khi chào hỏi.
- Dáng ngồi phỏng vấn đúng chuẩn: cần thẳng lưng, đặt hai tay lên đầu gối, không cong vai, gác chân,…
Cách trả lời phỏng vấn kém “duyên”
Bên cạnh các lý do kể trên, cách trả lời phỏng vấn cũng là yếu tố quyết định việc bạn đậu hay rớt. Dưới đây là những trường hợp trả lời kém “duyên” bạn nên tránh.
- Đối với câu hỏi về lý do ứng tuyển vào công ty, bạn không nên trả lời “Do công ty đề xuất mức lương cao và đãi ngộ tốt”. Mặc dù việc người lao động quan tâm đến lương thưởng là điều bình thường, nhưng nhà tuyển dụng cũng sẽ cho rằng bạn là người thiếu ổn định, dễ nhảy việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, hoặc tệ hơn, là bạn chẳng quan tâm gì đến nội dung công việc ngoài tiền lương cả.
- Một sai lầm nữa mà nhiều ứng viên mắc phải là khoe khoang về bản thân quá mức. Bạn nên tránh hết sức những câu nói như “…tôi đến để giúp công ty phát triển”, “tôi là người ít khi mắc sai sót trong công việc”, hoặc kể lể nhiều về thành tích của bản thân. Thay vào đó, hãy thể hiện rằng bạn biết cách tận dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để làm tốt công việc đang ứng tuyển.
- Mặc dù đây là lý do khách quan, nhưng việc bạn từ chối làm thêm giờ có thể là nguyên nhân khiến bạn rớt phỏng vấn. Chưa kể, người Nhật rất tôn trọng thời gian và những kế hoạch đã vạch ra, khiến họ không ngần ngại làm thêm giờ để tránh gây phiền phức cho đồng nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến hiệu suất chung.
Những gì nên làm để dễ đậu phỏng vấn công ty Nhật?
Một cuộc phỏng vấn thành công chắc chắn không thể thiếu sự chuẩn bị tốt. Dưới đây là 4 lời khuyên giá trị mà các bạn nên biết:
- Tìm hiểu kỹ về công ty, ngành nghề và vị trí ứng tuyển. Bạn càng biết nhiều, bạn sẽ càng tự tin. Ngoài ra, những kiến thức này cũng rất hữu ích để giúp bạn trả lời các câu hỏi khó của nhà tuyển dụng.
- Hãy trung thực và khiêm tốn. Đây là hai tính cách mà sếp người Nhật đánh giá rất cao ở nhân viên. Đừng ngại chia sẻ về thất bại hoặc những điểm yếu mà bạn nhận thấy ở bản thân. Điều quan trọng hơn hết là bạn đã rút ra bài học gì và có hướng khắc phục như thế nào.
- Suy nghĩ về một hoặc hai điều bạn muốn hỏi nhà tuyển dụng, bởi vì ở cuối buổi phỏng vấn, đa phần nhà tuyển dụng đều sẽ hỏi xem bạn có thắc mắc gì không nữa. Một câu hỏi thông minh vào thời điểm này có thể sẽ khiến họ ấn tượng, và muốn tuyển bạn ngay đấy.
- Gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn. Điều này sẽ dễ gây thiện cảm và cho thấy sự biết ơn của bạn đối với những người đã dành thời gian phỏng vấn bạn.
Kết luận
Phỏng vấn xin việc là một phần không thể thiếu dù bạn ứng tuyển vị trí gì và trong bất kỳ ngành nghề nào ở Nhật. Đôi khi sự căng thẳng, thiếu tự tin vào khả năng giao tiếp, hoặc chưa thích nghi tốt với cuộc sống ở Nhật có thể là những yếu tố dẫn bạn đến sai sót đáng tiếc trong buổi phỏng vấn và làm mất đi cơ hội đậu việc.
Do đó, hãy tham khảo kỹ những lời khuyên hữu ích của Minna No Tokugi tại đây và chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn nhé!
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad