Rate this article:
2023.09.21
Quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng, chứa đựng bản sắc văn hóa, lịch sử và truyền thống dân tộc của mỗi quốc gia. Nếu như Việt Nam có lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho màu chiến thắng, nhiệt huyết cách mạng, thì quốc kỳ Nhật Bản lại có ý nghĩa gắn liền với biệt danh “đất nước mặt trời mọc” mà bạn bè quốc tế vẫn thường đề cập đến.
Tuy nhiên, ít ai biết sự thật đằng sau mối liên kết này, cũng như những điều thú vị về “Nihon no Kokki” (quốc kỳ Nhật Bản). Hôm nay, hãy cùng Mintoku Work tìm hiểu nhé!
Quốc kỳ Nhật Bản: Tên gọi và Ý nghĩa
Quốc kỳ Nhật Bản là lá cờ có hình chữ nhật trắng, với vòng tròn đỏ ở trung tâm, giống như mặt trời tỏa sáng. Người ta thường gọi quốc kỳ Nhật Bản là “Nisshoki” (dịch nghĩa: cờ huy hiệu mặt trời), nhưng nó cũng có tên khác là “Hinomaru” (dịch nghĩa: vòng tròn của mặt trời).
Sở dĩ người Nhật lựa chọn hai màu sắc: đỏ và trắng, bởi vì chúng thường mang đến điềm lành. Trong đó, màu đỏ tượng trưng cho sự nhân từ, sức sống, còn màu trắng thuần khiết giống như tính cách trung thực, ngay thẳng của người dân xứ hoa anh đào.
Biểu tượng mặt trời trong tôn giáo
Từ thời cổ đại, người dân đã biết thờ cúng thiên nhiên và thần linh. Một trong những vị thần quan trọng nhất trong thần thoại và tôn giáo của Nhật Bản là Amaterasu Omikami, hay nữ thần mặt trời.
Theo huyền sử Nhật Bản, Amaterasu chính là vị thần đã tạo ra nước Nhật cách đây 2700 năm. Nói cách khác, nữ thần mặt trời là tổ tiên của thiên hoàng – người đứng đầu đất nước. Mang ý nghĩa thiêng liêng – tượng trưng cho Amaterasu, nên mặt trời mới xuất hiện trên quốc kỳ Nhật Bản.
Ý nghĩa của mặt trời đỏ
Nhiều người thắc mắc tại sao “mặt trời” ở Nhật Bản được khắc họa bằng màu đỏ đậm, mà không phải màu vàng, như cách người ta vẫn thường dùng phổ biến trên thế giới.
Thực tế, câu trả lời vẫn còn là một ẩn số. Một vài ghi chép cổ xưa nói rằng mặt trời đỏ có nguồn gốc từ Phật giáo dưới thời Heian. Nhưng cũng có giả thuyết khẳng định vòng tròn màu đỏ trên nền trắng là biểu tượng được truyền lại cho những người đã thống nhất đất nước, trong cuộc nội chiến dưới thời Heian.
Cuộc nội chiến Genpei, hay Chiến tranh Jisho-Juei kéo dài 6 năm, giữa hai gia tộc Taira và Minamoto. Trong khi gia tộc Minamoto giương cờ trắng, thì Taira sử dụng cờ đỏ với vòng tròn vàng ở giữa, để phô trương sức mạnh. Sau cùng chiến thắng thuộc về gia tộc Minamoto. Và hai lá cờ đã nhập thể, biểu tượng của sự thống nhất, đồng thời, mang ý nghĩa chiến thắng, sự may mắn.
Tuy nhiên, khi nhắc đến mặt trời đỏ, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh “mặt trời mọc” trên biển đông. Do Nhật Bản nằm ở phía Tây của Thái Bình Dương, và phía Đông của châu Á, nên đây là nơi đón mặt trời mọc đầu tiên trong ngày của châu lục. Vì vậy, cảm hứng thiết kế quốc kỳ Nhật Bản nhiều khả năng xuất phát từ đây.
Lịch sử của quốc kỳ Nhật Bản
Trước 1900
Cờ có họa tiết mặt trời đã được sử dụng từ rất sớm tại Nhật Bản, vào khoảng năm 701 dưới thời Thiên hoàng Văn Vũ (Monmu – Tenno).
Tuy nhiên, phải đến năm 1870, lá quốc kỳ được chính phủ Nhật Bản công nhận mới xuất hiện lần đầu tiên, và mang ý nghĩa thương mại quan trọng. Dưới thời Mạc phủ Tokugawa, các “Hinomaru” được sử dụng trên thuyền đi biển nhằm mục đích phân biệt với thuyền ngoại quốc, như Mỹ hay Nga.
Đến khi cuộc Minh Trị Duy Tân nổ ra, lá cờ cổ cũng được đưa vào áp phích tuyên truyền, sách giáo khoa để khơi dậy lòng yêu nước. Cùng với đó, chính phủ còn quy định người dân treo cờ vào những ngày lễ quốc gia, lễ kỷ niệm và các dịp đặc biệt khác trong năm.
Giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ 2
Thời điểm này, quốc kỳ Nhật Bản được sử dụng như lời tuyên bố về sự hùng mạnh của quân đội Nhật. Chính phủ yêu cầu học sinh phải hát quốc ca Kimigayo trong mỗi buổi sáng chào cờ.
Lá cờ “mặt trời” đã chuyển sang biến thể mới, gọi là Húc Nhật Kỳ (旭日旗, Kyokujitsu-ki). Thiết kế vẫn giữ nguyên hình tròn đỏ ở giữa, biểu trưng cho mặt trời, nhưng có thêm 16 tia nắng tỏa ra nhiều phía.
Thời Mỹ chiếm đóng
Khi Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, “Hinomaru” không còn được treo rộng rãi, ngay cả việc nhắc đến thuật ngữ này cũng bị cấm. Và đến ngày 2 tháng 5 năm 1947, quốc kỳ Nhật Bản chính thức bị gỡ bỏ trong Hoàng cung Tokyo, khuôn viên Tòa nhà Quốc hội, dinh Thủ tướng và Tòa án Tối cao.
Những hạn chế chỉ được nới lỏng kể từ năm 1948. Lúc này, người dân đã có thể treo quốc kỳ vào những ngày lễ quốc gia. Đến tháng 1 năm 1949, các quy định khắt khe chính thức bị bãi bỏ và mọi người đều có thể treo “Hinomaru” bất kể thời gian nào.
Sau chiến tranh đến năm 1999
Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, quốc kỳ Nhật Bản hiếm khi được sử dụng dù không còn quy định về hạn chế treo cờ nào. Nguyên nhân xuất phát từ những hành động quân sự bị lên án của Nhật trong chiến tranh.
Từ năm 1999 đến nay
Năm 1999, Đạo luật về Quốc kỳ và Quốc ca chính thức được thông qua. Theo đó, quy định “Hinomaru” là quốc kỳ và “Kimigayo” là bài hát quốc ca. Cả hai đều mang ý nghĩa tượng trưng cho Nhật Bản.
Lá cờ Nhật Bản qua từng thời kỳ
Lá cờ mặt trời mọc
Lá cờ Mặt trời mọc được xem như quốc huy (huy hiệu nhà nước) và biểu tượng văn hóa tại Nhật Bản. Nó có hình dạng giống mặt trời, và đã được sử dụng rộng rãi từ rất lâu. Thậm chí ngày nay, thiết kế này xuất hiện trong nhiều dịp quan trọng hay cuộc sống hàng ngày như gắn trên tàu đánh cá để thông báo thành quả đánh bắt khi quay về cảng, lễ kỷ niệm,…
Cờ hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Cờ của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải và cờ của Lực lượng Phòng vệ Biển (cờ trung đoàn) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất bắt buộc phải sử dụng thiết kế hình mặt trời mọc, theo Luật Lực lượng Phòng vệ ban hành năm 1954.
Kể từ khi ban hành, cả hai cờ này đã được treo trong nhiều tình huống khác nhau với quy mô trong nước và quốc tế. Trong hơn nửa thế kỷ qua, những lá cờ này đóng vai trò thiết yếu trong việc chỉ dẫn vị trí của tàu hoặc đơn vị Lực lượng Phòng vệ và được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Lời kết
Chuyện thật như đùa. Quốc kỳ Nhật Bản từng được các nước châu Âu: Hà Lan, Anh, Pháp hỏi mua lại dưới thời Minh Trị, với giá tương đương 5 triệu yên (hơn 4300 tỷ đồng) lúc bấy giờ. Dù tình thế nghèo khó, nhưng chính phủ Minh Trị vẫn quyết từ chối vì bán cờ đồng nghĩa với bán nước.
Vậy mới thấy tầm quan trọng cũng như ý nghĩa sâu xa của lá quốc kỳ Nhật Bản. Không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn cho thấy nghị lực mạnh mẽ, tinh thần kiên trung bất khuất của người Nhật.
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad