Rate this article:
2023.09.13
Một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất tại Nhật Bản hiện nay là ô nhiễm tiếng ồn. Mặc dù những khu vực nông thôn thường ít gặp tình trạng này, nhưng những nơi đông dân sinh sống như chung cư tại các khu đô thị lớn luôn ghi nhận vô số khiếu nại từ người dân hàng năm.
Vậy ô nhiễm tiếng ồn gây hại như thế nào đến sức khỏe con người? Có những biện pháp nào để khắc phục? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết này!
Ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn đến sức khỏe
Mỗi ngày, chúng ta thường tiếp xúc với rất nhiều loại âm thanh, đến từ các nguồn khác nhau trong đời sống như: tiếng động cơ xe máy, tiếng máy móc xây dựng, tiếng nói chuyện, hát hò,…
Trong số đó, những âm thanh không mong muốn và gây khó chịu cho người nghe được xem là tiếng ồn. Dù thường bị đánh giá thấp, nhưng thực tế, tiếng ồn chỉ đứng thứ hai sau ô nhiễm không khí, và là mối nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.
Tạp chí Y học Harvard đã chỉ ra các tác động tiêu cực của tiếng ồn, bao gồm:
- Gây khó chịu, cáu gắt và căng thẳng.
- Mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó tập trung và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
- Suy giảm thính lực, ù tai hoặc mẫn cảm với âm thanh.
- Làm trầm trọng thêm bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường.
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, ngủ không ngon giấc.
- Tăng huyết áp, đau tim, đột quỵ.
- Gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và nhận thức.
Thực trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Nhật Bản
Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia thanh bình. Kể từ năm 2000, chính phủ nước này đã ban hành luật quy định về tiếng ồn để bảo vệ môi trường, và sức khỏe người dân. Theo đó, tiếng ồn không được lớn hơn 45 decibels ở nơi công cộng, tương đương với tiếng chim hót.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực của chính phủ, số lượng khiếu nại về tiếng ồn vẫn liên tục tăng, đặc biệt ở các khu vực đô thị, như Tokyo. Riêng năm 2020, Bộ Nội vụ và Truyền thông thống kê có đến 81.557 vụ khiếu nại về ô nhiễm tiếng ồn trên toàn quốc, tăng 15,8% so với năm trước. Đây cũng là giai đoạn đóng cửa, khuyến khích làm việc từ xa do dịch Covid-19
Những con số biết nói đã cho thấy vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn vẫn còn phổ biến trong đời sống hàng ngày, đòi hỏi người dân phải có biện pháp phòng tránh hiệu quả để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn
1. Bố trí lại không gian sống
Ở các khu vực đô thị có giá nhà đất cao, chung cư là lựa chọn phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, chỉ với một bức tường và một trần ngăn cách không gian sống giữa nhiều hộ gia đình, tiếng ồn đến từ hai bên, tầng trên hoặc tầng dưới liên tục khiến các cư dân mệt mỏi.
Vì vậy, bước trước tiên để không trở thành nạn nhân của ô nhiễm tiếng ồn là phải ngăn chặn các âm thanh bên ngoài đi vào nhà bạn. Tham khảo các mẹo sau:
-
- Thiết kế tường cách âm hoặc lắp đặt tấm cách âm: bằng các vật liệu như nhựa, cao su, xốp, vải nỉ,… thường chỉ tốn từ vài nghìn yên đến vài chục nghìn yên, nhưng mang lại hiệu quả hấp thụ âm thanh tốt.
- Lắp vách ngăn giữa các phòng: giảm thiểu sự truyền âm thanh giữa các khu vực. Thay vì xây vách ngăn bê tông, bạn có thể tham khảo vách ngăn kính hoặc thạch cao, vừa có giá thành rẻ lại dễ thi công hơn.
- Trải thảm trên sàn nhà: giúp tránh làm phiền hàng xóm tầng dưới bởi tiếng bước chân của bạn. Lời khuyên là nên lựa chọn loại thảm được thiết kế riêng, giúp giảm thiểu những rung động âm thanh.
- Lắp rèm cách âm: không chỉ cản âm từ bên ngoài mà còn tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng.
- Đặt các chậu cây xanh trong nhà: cấu trúc xốp của lá cây có khả năng hấp thụ âm thanh, đặc biệt là âm thanh tần số cao. Khi tiếng ồn đi qua tán cây, lá cây sẽ hấp thụ một phần âm thanh, làm giảm mức độ ồn.
2. Sử dụng nút bịt tai
Nếu không muốn tốn nhiều tiền để bố trí không gian sống cách âm, sử dụng nút bịt tai có thể là giải pháp thay thế hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng cách này khi đi ngủ, đi máy bay,… bởi vì đeo liên tục trong thời gian dài có thể gây hại cho tai.
3. Trao đổi với người làm ồn
Đôi khi, hàng xóm của bạn chỉ vô tình làm ồn, mà không tự nhận thấy điều đó. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn một giải pháp hòa bình, là đàm phán. Chẳng hạn như viết và để lại một lá thư để giúp họ hiểu vấn đề bạn đang gặp phải.
Tuy nhiên, cách này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nếu hàng xóm của bạn liên tục phủ nhận hành vi của họ, có lẽ đã đến lúc bạn cần sự can thiệp của bên thứ ba. Để nhìn nhận khách quan, bạn nên đảm bảo rằng mình có đủ bằng chứng thuyết phục trước khi buộc tội ai đó.
4. Nhờ sự can thiệp của bên thứ ba
Trong trường hợp ở chung cư, bạn có thể báo cáo với quản lý tòa nhà. Đồng thời, nên trình bày rõ giải pháp bạn muốn ban quản lý thực hiện, ví dụ như góp ý trực tiếp với cá nhân gây ồn hay cảnh báo rộng rãi trên bản tin ở khu dân cư,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi cảnh sát (110) hoặc chính quyền địa phương để yêu cầu sự hợp tác từ người gây ồn ào. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc kế sách này như phương án cuối cùng, nếu tiếng ồn ở nơi bạn sống đã quá mức chịu đựng.
5. Lựa chọn nơi ở phù hợp ngay từ đầu
Có thể nói chuyển nhà là cách tách ra khỏi khu vực sống ồn ào nhanh nhất. Những giải pháp này sẽ khó thực hiện với những người đã sở hữu nhà riêng hoặc chung cư.
Mặt khác, những người đi thuê sẽ tốn tiền đặt cọc, chi phí vận chuyển đồ,… nếu muốn đổi nơi sống. Vì vậy, khi chọn giải pháp này, bạn nên cân nhắc cẩn thận để chọn vị trí thuận tiện đi làm, và ít ảnh hưởng đến tiện nghi cuộc sống.
Xem thêm 10 quy tắc ứng xử khi sinh sống và làm việc ở Nhật