Rate this article:
2023.08.22
Nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản thường gặp khó khăn trong việc hiểu hệ thống lương hưu công tại quốc gia này. Chắc hẳn, không ai muốn phải đóng tiền hai lần cho cả hệ thống hưu trí tại quê nhà và tại Nhật Bản.
Ngoài ra, có những chính sách đặc biệt dành cho sinh viên, người có thu nhập thấp mà bạn có thể tận dụng nếu tìm hiểu đủ sâu. Để giúp lĩnh vực này dễ tiếp cận hơn, bài viết này sẽ cung cấp hướng dẫn cơ bản cho bạn, đặc biệt là người Việt sống tại Nhật.
Tìm hiểu hệ thống lương hưu của Nhật Bản
Hưu trí của Nhật Bản được chia làm 3 loại, bao gồm: chương trình lương hưu cơ bản, lương hưu phúc lợi và lương hưu công vụ.
Lương hưu cơ bản
Hệ thống hưu trí này do nhà nước quản lý nhằm cung cấp lương hưu cho người già, trợ cấp những cá nhân bị thương tật, tử vong và thân nhân của người đã khuất. Theo luật, tất cả những người đang sống và đã đăng ký cư trú tại Nhật Bản bất kể quốc tịch, trong độ tuổi từ 20 đến 59 bắt buộc phải tham gia hệ thống lương hưu cơ bản.
Tiền phí bảo hiểm đóng hàng tháng đối với mỗi người lao động là khác nhau. Số tiền cụ thể còn tùy thuộc vào mức lương cá nhân đó kiếm được.
Có 3 nhóm đối tượng chính được hệ thống lương hưu cơ bản hỗ trợ khi có sự cố:
Nhóm 1
Những người đã đăng ký cư trú tại Nhật Bản, từ 20 đến 59 tuổi và không thuộc nhóm người được bảo hiểm loại Ⅱ hoặc Ⅲ, được xếp vào nhóm loại I. Thông thường, đây là người điều hành công ty nông, lâm, ngư nghiệp, người tự làm chủ, lao động tự do, nông dân, sinh viên,..
Phí bảo hiểm hàng tháng mà những người thuộc nhóm 1 phải đóng là 16.520 yên/tháng (2023). Tuy nhiên, số tiền này có thể thay đổi qua từng năm tùy theo chính sách nhà nước. Thanh toán bằng cách chuyển khoản ngân hàng là nhanh nhất, nhưng cũng có thể sử dụng phiếu thanh toán để đóng phí tại cửa hàng tiện lợi, bưu điện,…
Nhóm 2
Nhóm này bao gồm những người được thuê làm việc tại nhà máy, công ty,… Những người này vừa phải tham gia quỹ lương hưu cơ bản của quốc gia vừa tham gia quỹ lương hưu phúc lợi tại nơi làm việc.
Nhóm 3
Những người vợ hoặc chồng của người lao động nhóm 2, từ 20 đến 59 tuổi, cư trú tại Nhật Bản được xếp vào nhóm 3. Nhóm này không cần đóng phí lương hưu hàng tháng vì công ty chồng/vợ của họ làm việc đã hỗ trợ chi phí. Tuy nhiên, họ vẫn được hưởng các chế độ lương hưu cơ bản khi về già.
Lương hưu phúc lợi
Như đã đề cập ở trên, đây là hệ thống lương hưu dành cho nhân viên dưới 70 tuổi – những người thuộc nhóm đối tượng loại 2 của quỹ lương hưu cơ bản. Họ phải tham gia thêm quỹ lương hưu tại nơi làm việc do chủ lao động cung cấp.
Khoản đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động cho hệ thống lương hưu nhân viên là như nhau, mỗi bên một nửa. Riêng phần đóng góp của nhân viên sẽ được khấu trừ vào tiền lương và thưởng. Khoản phí sẽ tỷ lệ với thu nhập của người đóng, chiếm khoảng 18,3% mức lương hàng tháng.
Lương hưu công vụ
So với hai hệ thống lương hưu trên, quỹ lương hưu công vụ ít phổ biến hơn. Người tham gia chủ yếu là nhân viên công vụ (như công chức, hoặc những người khác làm việc trong bộ máy nhà nước), giáo viên,… Người Việt Nam sống tại Nhật Bản chỉ cần tìm hiểu lương hưu cơ bản và phúc lợi là đủ.
Chế độ hưu trí tại Nhật Bản có bắt buộc đối với người nước ngoài không?
Người nước ngoài sống ở Nhật Bản cũng không ngoại lệ. Chỉ cần nằm trong diện từ 20 đến 59 tuổi, bất kể quốc tịch, và đã đăng ký cư trú tại Nhật thì phải tham gia hệ thống hưu trí quốc gia và nộp phí hàng tháng.
Hệ thống hưu trí là một phần quan trọng trong xã hội Nhật Bản, bởi vì nó dựa trên quan điểm “hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ”. Trong đó, phí bảo hiểm mà những người đang làm việc đóng góp sẽ được dùng để gửi trợ cấp hưu trí cho người già, người bị tàn tật hoặc người có khó khăn về tài chính khi một người lao động trong gia đình qua đời.
Tuy nhiên, có một số trường hợp ngoại lệ đáng lưu ý.
Hệ thống thanh toán đặc biệt dành cho sinh viên
Đối với những sinh viên có thu nhập dưới một mức nhất định, thường đủ điều kiện tham gia vào một “hệ thống thanh toán đặc biệt dành cho sinh viên”. Theo đó, việc thanh toán phí bảo hiểm hưu trí quốc gia hàng tháng có thể được hoãn lại khi nộp đơn.
Kiểm tra danh sách các trường đủ điều kiện được hưởng chế độ thanh toán đặc biệt dành cho sinh viên tại đây.
Hệ thống miễn/hoãn thanh toán cho lương hưu quốc gia
Nếu bạn gặp khó khăn về tài chính trong việc đóng bảo hiểm hưu trí quốc gia do bị giảm thu nhập hoặc thất nghiệp, bạn có thể sử dụng hệ thống miễn hoặc hoãn thanh toán.
Hệ thống miễn phí bảo hiểm
Nếu bạn, chủ hộ hoặc thu nhập của vợ/chồng bạn trong năm trước thấp hơn một mức nhất định, hoặc nếu bạn đang thất nghiệp, gặp khó khăn về tài chính để trả phí bảo hiểm hưu trí quốc gia, bạn có thể được miễn phí bảo hiểm. Có bốn loại miễn trừ: “Toàn bộ”, “3/4”, “Một nửa” và “1/4”.
Hệ thống hoãn thanh toán phí bảo hiểm
Nếu bạn trong độ tuổi từ 20 đến dưới 50 và thu nhập của vợ/chồng bạn trong năm trước dưới một mức nhất định, bạn có thể nộp đơn đăng ký để hoãn đóng phí bảo hiểm. Đây được gọi là hệ thống gia hạn thanh toán.
Lưu ý không nên bỏ qua các khoản thanh toán, để tránh trường hợp bạn không được nhận lương hưu hoặc các khoản trợ cấp khẩn cấp trong tương lai.
Thỏa thuận an sinh xã hội
Thỏa thuận an sinh xã hội là thỏa thuận song phương giữa Nhật Bản và các quốc gia khác, được ký kết cho 2 mục đích:
- Nhằm ngăn chặn “thanh toán hai lần phí bảo hiểm”. Nguyên nhân là do khi một người ra nước ngoài làm việc, họ có khả năng bắt buộc phải tham gia cả hai hệ thống lương hưu ở Nhật Bản và ở nước ngoài.
- Miễn trừ bảo hiểm bắt buộc cho lao động được cử sang Nhật trong thời gian ngắn hoặc tổng hợp thời gian được bảo hiểm hưu trí của cả hai quốc gia.
Hệ thống thanh toán rút tiền một lần
Công dân nước ngoài đã đóng bảo hiểm hưu trí quốc gia từ 6 tháng trở lên có thể nhận được khoản thanh toán rút tiền một lần khi rời khỏi Nhật Bản mà không cần hoàn thành thời gian đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Bạn chỉ có thể yêu cầu thanh toán rút tiền một lần nếu bạn mất tư cách được bảo hiểm của hệ thống hưu trí quốc gia. Hãy chắc chắn hoàn thành thông báo chuyển đi và rời khỏi Nhật Bản. Yêu cầu phải được thực hiện trong vòng hai năm sau khi rời khỏi Nhật Bản.
Lời kết
Những nội dung trên chắc hẳn đã phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn về hệ thống hưu trí tại Nhật Bản. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào khác, hãy liên hệ với chính quyền thành phố, phường, xã hoặc chi nhánh văn phòng JPS ở địa phương nơi bạn sinh sống. Ngoài ra, cần nhấn mạnh lại rằng việc không đóng phí bảo hiểm hưu trí theo quy định có thể gây bất lợi đến tình trạng cư trú của bạn. Vì vậy, làm theo đúng luật là điều cần thiết trong mọi trường hợp.
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad