Rate this article:
2025.05.15
Khi chuẩn bị bước vào tháng 4, cũng là lúc các nhân viên bắt đầu làm quen môi trường công ty mới. Có nhiều người sẽ nhận thấy môi trường hay văn hóa không như những gì họ mong đợi.
Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng cao tổ chức mà bạn làm việc là một công ty đen. Vậy công ty đen là gì? làm sao để nhận biết? Hãy để Mintoku Work hướng dẫn trong bài viết nhé!
Khối lượng công việc nhiều là dấu hiệu của công ty đen
Công ty đen là gì?
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (厚生労働省) chưa cung cấp định nghĩa cụ thể về công ty đen hay Black Company (ブラック企業), nhưng chúng thường mang những đặc điểm như:
- Áp đặt thời gian làm việc dài và khối lượng công việc lớn lên người lao động;
- Sắp xếp nhiều ca làm việc hơn thỏa thuận tại thời điểm tuyển dụng;
- Tình trạng làm thêm giờ không được trả lương và lạm dụng quyền lực để quấy rối, bắt nạt thường xuyên xảy ra;
- Nhận thức về tuân thủ quy định pháp luật của công ty còn thấp;
- Không cho nhân viên nghỉ việc vì lý do khối lượng công việc chưa hoàn thành, phạt tiền khi nộp đơn xin nghỉ,…
Tóm lại, công ty đen có tất cả các đặc điểm, mang tính ép buộc người lao động làm việc trong điều kiện tồi tàn, môi trường không đáp ứng các tiêu chuẩn của pháp luật, và buộc người lao động làm việc theo cách vi phạm luật lao động.
Danh sách công ty đen bạn nên tránh
Dưới đây là những công ty đen do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố:
- Công ty TNHH xe buýt Hakodate (函館バス株式会社)
- Công ty Seirin (誠林)
- Công ty TNHH Công nghiệp Hokuju (北寿産業)
- Công ty TNHH Cosmo Mechanics (コスモメカニクス)
- Công ty TNHH Xây dựng Horokanai (幌加内土建)
- Công ty TNHH Vận tải Honbetsu (本別運送)
Ngoài ra, hãy tham khảo thêm thông tin tại đây.
Nên làm gì khi ở trong một công ty đen?
Đối với các công ty đen, tham gia vào hoạt động bất hợp pháp, việc cố khiếu nại hoặc đưa ra ý kiến trực tiếp chỉ khiến nhân viên dễ bị quy chụp là chống đối, dẫn đến bị công ty đối xử bất công, quấy rối,…
Vì vậy, hãy thử nhận tư vấn hoặc tham khảo hướng giải quyết từ các tổ chức uy tín như:
Văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động (労働基準監督署)
Văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động là nơi người lao động có thể tìm đến mỗi khi gặp tranh chấp, rắc rối trong công việc.
Cơ quan này trực thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, đồng thời trực thuộc Cục lao động của mỗi tỉnh, và đóng vai trò giống như “cảnh sát” điều tra các hoạt động vi phạm pháp luật tại nơi làm việc.
Ngoài ra, cơ quan có đủ thẩm quyền yêu cầu công ty khắc phục tình trạng, thậm chí bắt giữ người có liên quan đến hành vi phạm tội trong một số trường hợp.
Tuy nhiên, nhược điểm của văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động là:
- Văn phòng chỉ xử lý các sự việc có dấu hiệu vi phạm Luật Tiêu chuẩn Lao động (労働基準法) rõ ràng, ví dụ: không trả lương cho nhân viên, nhưng không can thiệp vào các trường hợp khác như lạm dụng quyền lực để quấy rối, không cho nghỉ việc,… dù các hành vi rõ ràng là bất hợp pháp.
- Số lượng nhân viên ít, nên việc phản hồi từng trường hợp một cách cẩn thận khá khó khăn. Họ có xu hướng tập trung điều tra các công ty có tác động xã hội lớn, chẳng hạn như công ty lớn và các trường hợp có đủ bằng chứng để tạo thành một vụ án.
- Đôi khi, bàn tư vấn của văn phòng thanh tra không phải do người có chuyên môn trực, mà chỉ là nhân viên làm thêm. Do đó, bạn phải ghé lại nhiều lần để được hỗ trợ xử lý vấn đề triệt để.
Tham khảo ý kiến từ văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động
Quầy tư vấn của Cục lao động tỉnh (都道府県の労働相談窓口)
Mỗi tỉnh của Nhật đều có bàn tư vấn lao động đặt tại văn phòng lao động. Tại đây, phương pháp giải quyết chính thường là hòa giải.
Cụ thể, chính quyền địa phương và văn phòng lao động tỉnh sẽ can thiệp vào mối quan hệ tranh chấp giữa người lao động và ban quản lý công ty, lắng nghe hai bên trình bày ý kiến, sau đó mới đưa ra phương án giải quyết.
Điều này có thể giúp người lao động, những người thường ở thế yếu, dễ dàng bày tỏ ý kiến của mình hơn và các công ty sẽ buộc phải thảo luận bình tĩnh với bên thứ ba có liên quan.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức hòa giải là:
- Hình thức này không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Vì vậy, nếu công ty từ chối ngồi vào bàn đàm phán, thì vấn đề sẽ kết thúc.
- Nhân viên hành chính được tuyển dụng để làm việc tại trung tâm tư vấn thường không phải những người có chuyên môn, hoặc chuyên môn kém hơn nhân viên tại các trung tâm tư vấn khác. Do đó, việc giải quyết có xu hướng gây bất lợi cho bên người lao động.
Luật sư (弁護士)
Nếu bạn đối mặt với các rắc rối ở môi trường làm việc như không được trả lương, quấy rối quyền lực, quấy rối tình dục, sa thải, hoặc bất kỳ điều gì đó bất hợp pháp đang diễn ra, hãy tham khảo ý kiến từ luật sư.
Họ là những chuyên gia pháp lý, nên kiến thức của họ có cơ sở và đáng tin cậy hơn các nguồn khác. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là ở Nhật, có hai dịch vụ luật sư:
- Luật sư đứng về phía người lao động (労働側の弁護士): Đây là nhóm luật sư bạn nên tìm tới. Ví dụ: Nhóm luật sư đối phó thiệt hại của công ty đen (ブラック企業被害対策弁護団), luật sư lao động Nhật Bản (日本労働弁護団), luật sư Karoshi (過労死弁護団),… không chỉ xử lý các vụ việc một cách cẩn thận mà còn thu mức phí rất hợp lý.
- Luật sư đứng về phía quản lý công ty (経営者側の弁護士): Xử lý các vấn đề pháp lý của công ty, nên thường xung đột lợi ích với người lao động.
Khi thuê luật sư giải quyết sự việc, thì đương nhiên tranh chấp sẽ phải đưa ra tòa. Trong những năm gần đây, tòa án lao động được thành lập để giải quyết các vụ việc nhanh chóng.
Không giống như kết quả của tòa án thông thường, nếu kết quả không thành công thì không có lực lượng pháp lý nào để thi hành kết quả đó. Nhưng vì đó là kết luận của chuyên gia nên không cần thiết phải gây áp lực lên công ty.
Trên thực tế, khoảng 70% các vụ việc tại tòa án lao động được giải quyết thông qua hòa giải. Hiện nay, đây là phương thức chính thống nhất để các cá nhân giải quyết tranh chấp lao động, nhưng mức độ giải quyết cho phía người lao động thấp hơn so với xét xử.
Luật sư có thể giúp người lao động giải quyết vấn đề tranh chấp
Công đoàn (ユニオン)
Công đoàn có khả năng pháp lý để giải quyết các vấn đề lao động cá nhân theo Đạo luật Công đoàn (労働組合法). Tuy nhiên, tương tự như luật sư, khả năng giải quyết vụ việc cũng khác nhau.
Có hai loại công đoàn:
- Công đoàn lao động trong công ty (thường thấy ở công ty lớn) có mối liên hệ với ban quản lý, và không có gì lạ khi tham khảo ý kiến từ họ nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cách này không hẳn hiệu quả.
- Công đoàn lao động bên ngoài công ty. Hãy thận trọng khi tham khảo ý kiến từ họ, vì có sự khác biệt đáng kể giữa bí quyết và động lực giải quyết vấn đề của họ.
Quy trình chung khi tham vấn với công đoàn như sau:
- Đầu tiên, người tham gia sẽ được giải thích về các mối quan hệ pháp luật và tầm quan trọng của công đoàn.
- Sau đó, nếu hài lòng với nội dung được đề cập, bạn có thể gia nhập công đoàn, nộp đơn vào công ty để thương lượng tập thể và bàn cách giải quyết vấn đề.
Ở nơi làm việc bình thường, lao động và quản lý khó bình đẳng. Về cơ bản, bạn không thể làm trái những gì sếp hoặc lãnh đạo công ty nói với bạn. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận tại diễn đàn thương lượng tập thể, lao động và quản lý đều bình đẳng.
Lời kết
Khi gặp công ty đen, điều quan trọng không phải là góp ý trực tiếp với cấp trên, mà hãy tham khảo hướng giải quyết từ các chuyên gia có kiến thức chuyên môn về luật lao động như văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động, luật sư, công đoàn,…
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Takeshi
Ai
Daisuke