Rate this article:

Vấn đề kiểm tra sức khỏe khi chuyển việc

2025.03.19

Khi gửi lời mời làm việc cho nhân viên, nhiều công ty yêu cầu phản hồi kèm giấy khám sức khỏe xin việc.

Vậy nên trả lời như thế nào trong trường hợp đó? Giấy khám sức khỏe có ý nghĩa gì? Hãy để Mintoku Work giúp bạn giải đáp các thắc mắc thường gặp liên quan đến giấy này nhé!

Lấy giấy khám sức khỏe xin việc tại bệnh viện

Sự cần thiết của việc nộp giấy khám sức khỏe xin việc

Đáp ứng quy định pháp luật

Lý do các công ty yêu cầu nhân viên phải nộp giấy khám sức khỏe sau khi nhận được lời mời làm việc, là vì đây là quy định bắt buộc theo Điều 43 của Đạo luật An toàn và Sức khỏe công nghiệp (労働安全衛生法).

Hỗ trợ quá trình quản lý

Việc yêu cầu khám sức khỏe cũng nhằm giúp công ty hiểu rõ tình trạng sức khỏe của nhân viên mới được tuyển dụng, giúp ích cho quá trình bố trí và quản lý sức khỏe người lao động sau khi gia nhập công ty.

Tuy nhiên, những nhân viên có hợp đồng làm việc dưới một năm và không có khả năng gia hạn, hoặc những nhân viên bán thời gian theo lịch trình dưới 30 giờ mỗi tuần, không bắt buộc phải khám sức khỏe tại thời điểm bắt đầu làm việc.

Đặc thù công việc yêu cầu sức khỏe thể chất

Đối với một số vị trí công việc nhất định, công ty yêu cầu ứng viên khám sức khỏe để chứng minh năng lực nghề nghiệp, trong quá trình tuyển dụng.

Ví dụ: Trường hợp nghề lái xe buýt/taxi, vận tải đường bộ, bảo vệ,… việc kiểm tra sức khỏe được tiến hành để xác định xem “bạn có đủ năng lực thể chất để tiến hành công việc an toàn hay không”, vì những vị trí này cần sự tập trung cao độ liên tục, môi trường làm việc ngoài trời, làm ca đêm thường xuyên,…

Nếu kết quả khám sức khỏe không đáp ứng yêu cầu của công ty, thì ứng viên có thể sẽ không được tuyển dụng.

Tài xế cần có giấy khám sức khỏe với kết quả tốt

Kết quả khám sức khỏe ảnh hưởng như thế nào đến việc được tuyển dụng?

Về cơ bản, các công ty có quyền tự do tổ chức kiểm tra năng lực trong quá trình tuyển dụng, nhưng không được phép lấy vấn đề sức khỏe để đánh giá năng lực ứng viên. Mặt khác, pháp luật cấm các hành vi phân biệt đối xử người lao động do bệnh tật. 

Chỉ khi đặc thù công việc không thể tiếp nhận người lao động mắc một số bệnh (ví dụ: tài xế không thể mắc bệnh dễ lây nhiễm cho cộng đồng như lao phổi, cúm,…), thì công ty có thể từ chối thuê người lao động mắc bệnh đó.

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến kiểm tra sức khỏe xin việc

Khi nào nên bắt đầu kiểm tra sức khỏe?

Thông thường, bạn nên kiểm tra sức khỏe ngay sau khi nhận được lời mời làm việc. Hãy tiến hành càng sớm càng tốt, và nộp giấy cho công ty vào thời điểm ký kết hợp đồng hoặc ngay sau khi vừa gia nhập công ty.

Thời hạn còn hiệu lực của giấy khám sức khỏe phải là 3 tháng. Vì vậy, nếu bạn ứng tuyển nhiều công việc khác nhau và đã khám sức khỏe không lâu trước đó, bạn có thể nộp giấy chứng nhận cho công ty. 

Khám sức khỏe xin việc ở đâu?

Nếu công ty chỉ định một cơ sở y tế cụ thể để ứng viên khám sức khỏe, thì bạn nên tuân thủ hướng dẫn. Trong trường hợp công ty có phòng khám hoặc cơ sở khám sức khỏe riêng, nhân viên thường được khám trực tiếp tại đó, sau khi gia nhập đội ngũ.

Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ yêu cầu nào, bạn nên tự tìm cơ sở y tế để khám sức khỏe.

Lưu ý: Người lao động phải kiểm tra xem cơ sở y tế đó có thể tiến hành khám sức khỏe theo các tiêu chuẩn của pháp luật hay không. Và để tiết kiệm thời gian, hãy thông báo với bệnh viện rằng bạn muốn khám sức khỏe cho mục đích xin việc khi đặt lịch khám.

Hầu hết hồ sơ xin việc yêu cầu giấy khám sức khỏe

Các hạng mục kiểm tra khi khám sức khỏe xin việc

Theo quy định tại Điều 43 của Đạo luật An toàn và Sức khỏe công nghiệp (労働安全衛生法), việc khám sức khỏe xin việc phải được tiến hành với 11 hạng mục kiểm tra, bao gồm:

  • Lịch sử bệnh tật (liên quan đến bệnh từng mắc, tiền sử phẫu thuật, phương pháp, quá trình điều trị trong quá khứ,…). 
  • Có hay không các triệu chứng chủ quan và khách quan.
  • Chiều cao, cân nặng, vòng eo, thị lực, thính giác.
  • Chụp X-quang ngực.
  • Đo huyết áp.
  • Xét nghiệm máu (kiểm tra chỉ số hồng cầu, hàm lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu,…).
  • Xét nghiệm chức năng gan (GOT, GPT, γ-GTP).
  • Xét nghiệm lipid máu (LDL cholesterol, HDL cholesterol, triglyceride huyết thanh).
  • Xét nghiệm đường huyết.
  • Phân tích nước tiểu (kiểm tra xem có đường và protein trong nước tiểu hay không).
  • Kiểm tra điện tâm đồ (khi nghỉ ngơi).

Chi phí khám sức khỏe xin việc khoảng bao nhiêu?

Chi phí khám sức khỏe xin việc trung bình khoảng 10.000 đến 15.000 Yên, tùy cơ sở y tế.

Và sau khi bạn được nhận vào làm việc, công ty sẽ giúp bạn chi trả khoản tiền này, nên bạn không cần mang theo bảo hiểm y tế đến cơ sở khám sức khỏe xin việc. Nhưng bạn bắt buộc phải giữ lại biên lai thanh toán, để chứng minh với công ty.

Thời gian nhận kết quả khám sức khỏe

Về cơ bản, thời gian trả kết quả khám sức khỏe là khoảng 1 tuần kể từ thời điểm khám. Tuy nhiên, một số cơ sở y tế thiết kế ngày giờ cố định để khám sức khỏe nên bạn không thể đặt lịch trước. 

Do đó, hãy sắp xếp thời gian ghé thăm hoặc tìm cơ sở y tế cho phép đặt lịch.

Kết luận

Khám sức khỏe là yêu cầu bắt buộc của nhiều công ty, đối với người lao động mới gia nhập đội ngũ. Điều này nhằm đảm bảo bạn có đủ sức khỏe để làm việc ổn định, lâu dài, cũng như thuận tiện phân bố nhiệm vụ hơn.

Về cơ bản, khoản tiền khám sức khỏe sẽ được công ty chi trả, nên hãy giữ lại biên lai thanh toán. Ngoài ra, thời gian chờ kết quả khám sức khỏe là khoảng 1 tuần kể từ ngày khám. Hãy sắp xếp thời gian ghé cơ sở y tế hoặc đặt lịch trước.


この記事をシェアする


仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。

日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。

user avatar

Takeshi

user avatar

Ai

user avatar

Daisuke

Arrow up Circle gradient