Rate this article:

Phiên dịch viên là gì? Tư cách lưu trú ở Nhật

2024.11.21

Quá trình hội nhập quốc tế khiến nhu cầu tuyển dụng các vị trí phiên dịch viên tăng lên nhanh chóng. 

Phiên dịch viên đóng vai trò cầu nối quan trọng, không chỉ trong nhiều tình huống kinh doanh như đàm phán, hội họp,… mà cả các hội nghị cấp quốc gia và quốc tế như hội nghị thượng đỉnh, tham vấn liên chính phủ,…

Vậy nội dung công việc này như thế nào? Những vị trí phiên dịch viên thường được tuyển dụng là gì? Cùng Mintoku Work tìm hiểu chi tiết sau đây nhé!

Nghề phiên dịch viên phù hợp với những người có vốn ngoại ngữ tốt

Sự khác biệt giữa dịch thuật và phiên dịch

Hiểu đơn giản, dịch thuật (hay biên dịch) là quá trình dịch viết, dịch một văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Đôi khi, người dịch phải dành nhiều thời gian nghiên cứu để cung cấp bản dịch chỉn chu trong các lĩnh vực đa dạng.

Mặt khác, phiên dịch là dịch nói, dịch các dạng văn bản (như đoạn hội thoại, thuyết trình,…) từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ đích, nên đòi hỏi kỹ năng nâng cao hơn, vì cần phải dịch ngay tại chỗ và liên tục trong quá trình truyền đạt bằng lời nói.

Cả hai hình thức dịch đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao. Và người dịch phải biết từ hai ngôn ngữ trở lên. 

Vai trò của phiên dịch viên

Phiên dịch viên không chỉ dịch từ ngôn ngữ tiếng Nhật sang tiếng Anh, mà cũng có thể dịch sang tiếng Trung, Hàn, Việt, Thái,… Có rất nhiều ngôn ngữ đa dạng trên thế giới, nên phiên dịch viên giống như cầu nối giao tiếp giữa các quốc gia.

Để làm tốt công việc này, bên cạnh việc hiểu và dịch đúng nghĩa của từ, bạn cần vận dụng kiến thức liên quan đến văn hóa, thấu hiểu cảm xúc trong cách dùng từ ngữ của người bản xứ.

Như vậy, bạn mới có thể đem lại bản dịch tự nhiên, thoát ý, phù hợp với ngữ cảnh và thu hút người đọc.

Các phương pháp phiên dịch

Có 3 phương pháp phiên dịch chính:

Phiên dịch nối tiếp (逐次通訳)

Phương pháp dịch nối tiếp, hay dịch đuổi, dịch ngắt quãng thường đòi hỏi phiên dịch viên diễn giải nội dung sau khi người nói vừa tạm ngừng, hoặc truyền đạt xong thông tin (trong khoảng từ 1 – 5 phút).

Do đó, bạn cần ghi chú lại thật kỹ các ý chính, để truyền đạt thông tin chính xác. Hình thức này chủ yếu thường thấy trong các bài giảng, hoặc buổi phỏng vấn.

Phiên dịch song song (同時通訳)

Hình thức phiên dịch này còn có tên gọi khác là dịch cabin, thường đòi hỏi kỹ thuật, và trình độ ngoại ngữ cao nhất. Phiên dịch viên phải ghi nhớ, truyền đạt chính xác thông tin trong thời gian rất ngắn, gần như ngay lập tức sau khi tiếp nhận.

Phiên dịch song song thường được sử dụng ở các hội nghị, họp báo quan trọng như hội nghị thượng đỉnh, họp báo quốc tế, tham vấn liên chính phủ,… Phiên dịch viên sẽ làm việc bên trong buồng phiên dịch, và truyền đạt nội dung thông qua tai nghe. 

Do tính chất công việc yêu cầu tập trung cao độ, nên người ta sẽ làm việc theo ca ngắn (thời gian là khoảng 15 phút mỗi ca) và có nhiều phiên dịch viên thay ca cho nhau.

Công việc của phiên dịch viên song song trong buồng phiên dịch

Phiên dịch thầm (ウィスパリング)

Về cơ bản, phương pháp phiên dịch thầm cũng tương tự như phiên dịch song song. Phiên dịch viên cần cung cấp bản dịch ngay lập tức, sau khi tiếp nhận nội dung.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là người phiên dịch song song sẽ làm việc bên trong buồng phiên dịch, còn người phiên dịch thầm sẽ xuất hiện bên cạnh những người nghe. Nội dung phiên dịch chỉ được thì thầm vào tai người nghe.

Hình thức này thường thấy trong các tình huống kinh doanh quan trọng với hai bên đối tác/công ty, như đàm phán, ký kết hợp đồng,…

Những vị trí phiên dịch viên phổ biến

Có rất nhiều loại hình công việc phiên dịch. Mỗi loại hình sẽ đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức khác nhau. Ví dụ như:

Phiên dịch trong kinh doanh (ビジネス通訳)

Ở môi trường kinh doanh, phiên dịch viên đóng vai trò quan trọng trong các tình huống như đàm phán, thỏa thuận, cuộc họp,…

Do đó, bạn cần nắm vững từ vựng, ngữ pháp, đảm bảo dịch thông tin chính xác, đúng với ngữ cảnh, và tránh mắc sai lầm, mà có thể gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.

Phiên dịch hội nghị (会議通訳)

Thông thường, chỉ những phiên dịch viên cấp cao của quốc gia, mới có thể tham dự các sự kiện lớn và trọng đại như hội nghị thượng đỉnh, hội nghị quốc tế, tham vấn liên chính phủ,….

Trong những sự kiện này, bạn cần phải vận dụng kiến ​​thức chuyên ngành để dịch thuật chính xác. Điều đó sẽ đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ và kiến ​​thức chuyên ngành cao hơn.

Phiên dịch trên đài truyền hình (放送通訳)

Phiên dịch trên đài truyền hình là công việc phiên dịch tin tức từ tiếng nước ngoài hoặc tiếng Nhật.

Đối với công việc này, phiên dịch viên không chỉ cần ngoại ngữ, mà phải có thêm kiến ​​thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử nước ngoài,… để diễn giải chính xác.

Ngoài ra, khi phổ biến thông tin tới khán giả Nhật Bản, bạn cần có trình độ tiếng Nhật nhất định.

Ngành phiên dịch viên có nhu cầu tuyển dụng cao nhờ quá trình hội nhập quốc tế

Phiên dịch viên trong ngành giải trí (エンターテイメント通訳)

Nếu quyết định tham gia lĩnh vực giải trí, bạn sẽ hợp tác với các ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên,… và đồng hành cùng họ trong những cuộc phỏng vấn, họp báo.

Những người nổi tiếng thường rất chú trọng đến cách ứng xử và lời nói trước công chúng. Do đó, phiên dịch viên cần nghiên cứu thông tin cá nhân, tình hình công việc,… của người nổi tiếng trước buổi phiên dịch, để cung cấp nội dung phù hợp.

Phiên dịch viên ở các tổ chức công (コミュニティ通訳)

Phiên dịch viên cộng đồng là vị trí cung cấp dịch vụ phiên dịch, và hỗ trợ cung cấp thông tin cho người nước ngoài không thể nói được tiếng Nhật và đang cư trú tại Nhật Bản. Có 4 tổ chức công mà phiên dịch viên có thể làm việc. Đó là:

  • Phiên dịch viên tại trường học: Bạn sẽ hỗ trợ phiên dịch cho các tình huống giao tiếp, trao đổi ý kiến giữa phụ huynh và trẻ em người nước ngoài với các cơ sở giáo dục. Ví dụ: làm thủ tục nhập học, phỏng vấn.
  • Phiên dịch viên tại các cơ sở y tế: Khi phiên dịch tại các cơ sở y tế như bệnh viện, nhà thuốc,… bạn cần có kiến ​​thức chuyên môn về y khoa, để truyền đạt lời nói của nhân viên y tế chính xác. Đôi khi, bạn cũng có thể được yêu cầu xuất hiện trong các ca phẫu thuật.
  • Phiên dịch viên hành chính: Phiên dịch viên hành chính chịu trách nhiệm hỗ trợ người không biết đọc, viết tiếng Nhật, trong quá trình làm thủ tục tại các cơ quan công lập (ví dụ: tòa thị chính).
  • Phiên dịch viên tư pháp: Có hai loại vị trí công việc phiên dịch viên tư pháp. Đó là phiên dịch viên cảnh sát (警察通訳), và phiên dịch viên tòa án (法廷通訳). Cả hai vị trí này đều yêu cầu kiến ​​thức pháp luật. Khi phiên dịch trong các cuộc thẩm vấn và phòng xử án, bạn sẽ cần kỹ năng giao tiếp tốt (đặc biệt là việc lựa chọn và truyền đạt từ ngữ).

Người nước ngoài cần tư cách lưu trú gì để làm phiên dịch viên ở Nhật?

Để làm phiên dịch viên tại Nhật Bản, người nước ngoài cần có tư cách lưu trú Kỹ thuật – Tri thức nhân văn – Nghiệp vụ quốc tế (技術・人文知識・国際業務). Điều kiện xin visa là:

  • Tốt nghiệp đại học trở lên.
  • Ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc.
  • Trình độ tiếng Nhật tương đương N2 trở lên.

Lời kết

Vị trí phiên dịch viên không chỉ yêu cầu ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, mà còn phải biết cách phản hồi linh hoạt theo từng diễn biến, nội dung cuộc trò chuyện.

Ngoài ra, việc có thêm các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL,… hoặc chứng chỉ liên quan đến nghề phiên dịch (ví dụ: TOBIS), sẽ giúp bạn nâng cao tỷ lệ trúng tuyển. Vì vậy, hãy lập kế hoạch và chuẩn bị thi các chứng chỉ cần thiết ngay nhé!


この記事をシェアする


仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。

日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。

Arrow up Circle gradient