Rate this article:
2024.09.09
Tai nạn lao động có thể xảy ra tại bất kỳ công ty nào. Trong trường hợp đó, điều quan trọng là bạn phải nhận biết được những tai nạn nào liên quan đến công việc và thuộc phạm vi bồi thường của công ty, để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Cùng Mintoku Work tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Tai nạn lao động là gì?
Tai nạn lao động là tất cả những thương tích, bệnh tật, tử vong,… do người lao động (toàn thời gian, bán thời gian, hợp đồng,…) gặp phải trong quá trình làm việc, bất kể nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác hoặc quốc tịch.
Khi nhắc đến tai nạn lao động, nhiều người có thể nghĩ ngay đến những thương tích do vướng vào máy móc hoặc ngã từ trên cao tại công trường.
Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh liên quan đến não, tim, rối loạn tâm thần, căng thẳng tâm lý do khối lượng công việc nhiều, hay thậm chí những trường hợp bị quấy rối tình dục, đột quỵ vì làm việc quá sức,… cũng được coi là tai nạn lao động.
Các loại tai nạn lao động
Tai nạn lao động được chia thành 3 loại, như sau:
-
- Tai nạn nghề nghiệp (業務災害): là những tai nạn (thương tích, bệnh tật, khuyết tật hoặc tử vong) liên quan đến công việc.
- Tai nạn giao thông (通勤災害): là những tai nạn và thiệt hại xảy ra khi người lao động đang di chuyển từ nhà đến văn phòng, trụ sở, xí nghiệp,… của công ty hoặc trên đường đi công tác.
- Tai nạn xảy ra do bên thứ ba (第三者行為災害): là những tai nạn lao động do các bên thứ ba, mà không phải người lao động (người thụ hưởng bảo hiểm), người sử dụng lao động và chính phủ gây ra. Trong trường hợp đó, bên thứ ba có nghĩa vụ bồi thường cho người gặp nạn.
Khi nào một tai nạn được công nhận là tai nạn lao động?
Một vụ tai nạn được công nhận là tai nạn lao động, cần đảm bảo các yếu tố sau:
- Có liên quan đến công việc (業務起因性), có nghĩa là tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc, mà dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động, và công việc đó đem lại hiệu quả kinh doanh cho công ty. Các khoảng thời gian như tăng ca, đi vệ sinh, hay đi công tác cũng được xem là dưới sự kiểm soát của chủ lao động.
- Tuân thủ đúng tuyến đường di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc (住居と会社間の正しい通勤経路), đối với trường hợp tai nạn giao thông. Tuy nhiên, một số tình huống ngoại lệ như bị tai nạn trong lúc mua nhu yếu phẩm hàng ngày, khám sức khỏe và bỏ phiếu bầu cử trên đường đi làm, vẫn được xem như tai nạn lao động.
- Lý do khách quan (第三者行為災害), là những tai nạn do bên thứ ba gây ra, ví dụ: va chạm giữa các nhân viên, bị thương do thiết bị/máy móc bị lỗi, bệnh tật/nhiễm trùng do người khác gây ra tại nhà hàng,…
Những trường hợp không thuộc tai nạn lao động
Các trường hợp sau không được coi là tai nạn lao động:
- Người lao động cố ý gây tai nạn, đánh nhau với đồng nghiệp, làm việc riêng trong thời gian làm việc.
- Người lao động bị thương trong giờ giải lao.
- Tình trạng sức khỏe suy giảm, vì lý do cá nhân của người lao động, chẳng hạn như uống rượu hoặc hút thuốc.
- Tai nạn do thiên tai như động đất, bão, sóng thần,… (Tuy nhiên, nếu địa điểm hoặc môi trường làm việc dễ bị thiên tai thì có thể được coi là tai nạn lao động).
Nguyên nhân gây tai nạn lao động
Theo Phân tích nguyên nhân gây tai nạn lao động (2010) của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, 94,7% tai nạn lao động là do hành vi bất cẩn và môi trường làm việc không an toàn. Trong đó:
Hành vi bất cẩn (不安全行動)
Đó là những hành động chủ quan, xem nhẹ rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn. Hành vi này chủ yếu xuất phát từ những suy nghĩ dễ dãi của công nhân như “tôi đang vội”, “tôi đã quen với công việc, nên không sao đâu”, “tôi không nghĩ mình sẽ gây ra tai nạn lao động”,…
Các hành vi bất cẩn có thể kể đến như:
- Không tuân thủ quy trình làm việc;
- Không mặc đồ bảo hộ/thiết bị bảo hộ;
- Vô hiệu hóa (tắt) các thiết bị đảm bảo an toàn;
- Tiếp xúc hoặc va chạm vào các máy móc, băng chuyền đang di chuyển;
- Không bảo trì hoặc kiểm tra máy móc thường xuyên;
- Lạc tay lái (mất khả năng kiểm soát) các phương tiện như xe cẩu, xe nâng, xe tải,… dùng tại nơi làm việc.
Môi trường làm việc không an toàn (不安全状態)
Môi trường làm việc không an toàn đề cập đến các yếu tố liên quan đến môi trường làm việc không được đảm bảo như thiết bị, dụng cụ, vệ sinh,…
Dưới đây là một số ví dụ:
- Hư hỏng máy móc hoặc thiết bị bảo hộ;
- Hàng rào kiểm soát đặt sai vị trí, hoặc không đủ bao quát khu vực nguy hiểm, cần hạn chế qua lại;
- Khóa liên động (chuyên kiểm soát 2 hoặc nhiều cửa ra – vào cùng lúc) hoạt động không chính xác;
- Các máy móc phục vụ công việc được thiết kế không tối ưu;
- Không gian làm việc nhỏ;
- Việc sắp xếp đồ đạc trong kho, xưởng, dễ gây tai nạn.
Những tai nạn lao động thường gặp
Bị ngã (転倒)
Một trong những tai nạn lao động phổ biến nhất là công nhân bị vấp, té ngã trên sàn, hoặc trượt trên bậc cầu thang. Ngoài nguyên nhân chủ yếu là do bất cẩn, thì có nhiều trường hợp người ta bị ngã do chân dính mưa, tuyết, dẫn đến trơn trượt.
Ví dụ: Một công nhân bị ngã và thương tích nặng khi đang dỡ hàng tại nhà máy chế biến thực phẩm; Hoặc có trường hợp công nhân bất tỉnh sau khi ngã tại công trường xây dựng.
Rơi từ trên cao (転落・墜落)
Đây là tình huống công nhân rơi từ trên giàn giáo hoặc mái nhà xuống, thường dẫn đến gãy xương, thương tổn về thần kinh, hoặc thậm chí, tử vong.
Từng có trường hợp 5 công nhân xây dựng ở Nhật làm ngã khung thép, dẫn đến tử vong.
Cụp xương sống (動作の反動・無理な動作)
Tình huống này thường dễ xảy ra khi công nhân mang vác vật nặng quá sức, dẫn đến trẹo khớp, gãy xương đốt sống, còng lưng,…
Bị vướng (はさまれ・巻き込まれ)
Các trường hợp ngón tay/chân bị vướng hoặc té ngã vào máy móc hạng nặng như cần cẩu, xẻng,… có thể gây ra thương tích nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Ví dụ: Từng có công nhân làm việc tại xưởng gia công kim loại tử vong, khi vô tình bị kẹt vào máy ép, hoặc có người bị đứt tay khi quần áo lao động bị vướng vào máy tiện đang quay.
Quyền lợi của người lao động khi bị tai nạn lao động
Nếu xảy ra tai nạn lao động, bạn sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
- Hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, điều trị y tế (療養補償等給付)
- Trợ cấp nghỉ việc do tai nạn lao động (休業補償等給付)
- Bồi thường thương tật và bệnh tật (傷病補償等年金)
- Bồi thường nếu bị tàn tật (障害補償等給付)
- Trợ cấp cho người thân còn sống sót của công nhân bị tử vong (遺族補償等給付)
- Thanh toán chi phí tang lễ (葬祭料等給付)
- Quyền lợi chăm sóc điều dưỡng (介護補償等給付)
- Quyền lợi khám sức khỏe lần 2 (二次健康診断等給付)
- Hưởng dịch vụ chăm sóc đặc biệt sau điều trị (アフターケア制度)
- Phụ cấp đặc biệt (特別支給金)
Trách nhiệm của công ty nếu để xảy ra tai nạn lao động
Công ty có thể phải chịu 4 loại trách nhiệm sau đây nếu có sai sót, gây ra tai nạn lao động:
- Trách nhiệm hình sự (刑事責任): Cả công ty hoặc cá nhân sở hữu doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự, nếu vi phạm Đạo luật về An toàn và Sức khỏe Công nghiệp hoặc gây ra sơ sót, dẫn đến tử vong hoặc bị thương cho người lao động.
- Trách nhiệm dân sự (民事責任): Áp dụng khi công ty không tuân thủ quy định tại Điều 5 của Luật Hợp đồng lao động, cụ thể không đảm bảo an toàn cho người lao động.
- Trách nhiệm hành chính (行政上の責任): Tùy thuộc vào loại tai nạn liên quan đến công việc, hoàn cảnh tại thời điểm xảy ra và mức độ nghiêm trọng, công ty có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt như đình chỉ kinh doanh.
- Trách nhiệm xã hội (社会的責任): Danh tiếng xã hội của công ty có thể bị ảnh hưởng, mất uy tín, hay thậm chí mất đối tác kinh doanh nếu để xảy ra tai nạn lao động.
Lời kết
Tóm lại, tùy nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, bạn có thể được hưởng bồi thường hoặc không. Nhìn chung, với những lý do khách quan như té ngã, rơi từ trên cao, vướng vào máy móc,… thường đủ điều kiện.
Hy vọng với những thông tin trên của Mintoku Work, các bạn đã hiểu hơn về những trường hợp được quy định là tai nạn lao động, cũng như trách nhiệm của công ty đối với những tình huống này.
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad