Rate this article:

Kỳ thi EJU là gì? Cấu trúc đề và điểm đậu

2024.09.02

EJU là kỳ thi đầu vào, để nhập học các trường đại học, cao đẳng,… ở Nhật. Kỳ thi này chỉ dành cho những người nước ngoài (không nói tiếng Nhật như ngôn ngữ mẹ đẻ).

Vậy cấu trúc đề thi như thế nào? điểm đậu là bao nhiêu? Hãy để Mintoku Work giải đáp cho các bạn trong bài viết nhé!

Ôn luyện thi EJU tại nhà

Kỳ thi EJU là gì?

Kỳ thi EJU có:

  • Tên tiếng Anh: Examination for Japanese University Admission
  • Tên tiếng Nhật: 日本留学試験
  • Tên tiếng Việt: Kỳ thi tuyển sinh đại học Nhật Bản, hay Kỳ thi Du học Nhật Bản

Đây là kỳ thi bắt buộc, được tổ chức nhằm đánh giá trình độ tiếng Nhật và kiến thức cơ bản của những sinh viên quốc tế, có mong muốn nhập học tại các trường đại học, cao đẳng,… của Nhật.

Trước đây, du học sinh Nhật Bản phải trải qua 2 kỳ thi, gồm: kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) và kỳ thi chung dành cho sinh viên nước ngoài, để được xét tuyển nhập học.

Tuy nhiên, kể từ tháng 12/2001, hình thức đánh giá thông qua 2 kỳ thi đã bị bãi bỏ. Thay vào đó, các sinh viên chỉ cần tham gia một kỳ thi duy nhất – là EJU, được tổ chức 2 lần một năm (vào tháng 6 và tháng 11), ở cả trong và ngoài nước Nhật.

Hầu hết các trường đại học, cao đẳng của Nhật sẽ sử dụng kết quả thi EJU để tuyển sinh người nước ngoài. Như vậy, bạn không cần thiết phải sang Nhật thi đầu vào, mà chỉ cần tham gia kỳ thi EJU tại nước mình.

Các môn thi và cấu trúc đề

Có 4 môn thi để đánh giá năng lực của sinh viên, bao gồm:

  • Tiếng Nhật;
  • Khoa học tự nhiên;
  • Khoa học xã hội;
  • Toán học.

Tùy yêu cầu của trường mà bạn đăng ký nhập học, bạn sẽ lựa chọn các môn thi dựa trên hướng dẫn của họ.

Về nguyên tắc, mỗi người có thể chọn từ 1 – 3 môn trong số 4 môn thi kể trên để làm kiểm tra, nhưng không được phép chọn đồng thời cả 2 môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cùng lúc.

Nhiều du học sinh quốc tế tham gia luyện thi EJU

Dưới đây là thông tin chi tiết về bài thi của 4 môn:

Tiếng Nhật

  • Mục đích: Đánh giá khả năng tiếng Nhật của ứng viên, dùng trong quá trình học tập hoặc nghiên cứu tại trường.
  • Cấu trúc: Gồm 3 phần: viết (記述), đọc hiểu (読解), nghe và đọc hiểu (聴解・聴読解).
  • Thời gian: 125 phút.
  • Ngôn ngữ: chỉ có tiếng Nhật.

Tham khảo bảng phân bố điểm và thời gian của từng phần bên dưới:

Phần Hình thức làm Thời gian Tổng điểm
Viết Chọn 1 trong 2 (hoặc nhiều) chủ đề và viết câu trả lời dưới dạng tự luận, với số lượng ký tự tối đa được chỉ định trước. 30 phút 50 điểm
Đọc hiểu Câu hỏi được viết bằng tiếng Nhật với các đáp án trắc nghiệm để bạn lựa chọn. Thí sinh trả lời bằng cách tô vào phiếu đánh giá. 40 phút 200 điểm
Nghe và đọc hiểu  Thí sinh đọc câu hỏi trên đề thi, và nghe đáp án được máy phát, sau đó, đánh dấu đáp án đúng vào phiếu trả lời. 55 phút 200 điểm
Tổng 125 phút 450 điểm

Khoa học tự nhiên

  • Mục đích: Kiểm tra kiến thức cơ bản về vật lý, hóa học, và sinh học của thí sinh, để đảm bảo thí sinh có thể theo học các chuyên ngành thuộc khối khoa học tự nhiên tại các trường đại học Nhật Bản.
  • Nội dung câu hỏi: Thí sinh chọn 2 trong 3 bộ môn (lý, hóa, sinh) để làm bài kiểm tra. Lưu ý: Không được phép chỉ chọn một môn.
  • Thời gian: 80 phút.
  • Tổng điểm: 200 điểm.
  • Ngôn ngữ: Chọn tiếng Nhật hoặc tiếng Anh

Toán học

  • Mục đích: Nhằm đánh giá trình độ kiến thức cơ bản về toán học, cần thiết cho việc theo học tại các trường đại học Nhật Bản.
  • Ngôn ngữ: Chọn tiếng Nhật hoặc tiếng Anh.
  • Độ khó: Có hai cấp độ bài thi. Bạn sẽ lựa chọn theo yêu cầu thi đầu vào của khoa từ trường đại học mà bạn muốn đăng ký.
Cấp độ 1 Cấp độ 2
Đối tượng tham gia Những thí sinh muốn vào các khoa, chuyên ngành xã hội hoặc nghệ thuật tự do (リベラルアーツ) như âm nhạc, thiên văn học, hùng biện,… Những ngành này thường không dùng nhiều toán. Những thí sinh muốn theo đuổi các chuyên ngành trong khối khoa học tự nhiên, mà phải vận dụng tính toán nhiều trong quá trình học.
Nội dung kiểm tra Toán học cơ bản gồm:

Số và công thức (数と式);

Xác suất (確率);

Hàm bậc 2 (2次関数).

Toán học nâng cao:

Hàm lượng giác (三角関数);

Số phức (複素数);

Logarit (対数);

Vectơ (ベクトル).

Thời gian 80 phút 80 phút
Tổng điểm 200 điểm 200 điểm

Khoa học xã hội

  • Mục đích: Đánh giá kỹ năng, khả năng tư duy và lý luận cần thiết của thí sinh, để theo đuổi những chuyên ngành khác nhau trong khối khoa học xã hội và nhân văn tại các trường đại học của Nhật.
  • Thời gian: 80 phút.
  • Tổng điểm: 200 điểm.
  • Nội dung câu hỏi: Kiến thức lịch sử hiện đại và đương đại; Các vấn đề xã hội toàn cầu đương đại; Chính sách kinh tế đương đại.

Ngoài ra, bạn cần trả lời thêm các câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, như Hiến pháp, địa lý, lịch sử hậu chiến của Nhật Bản (đây là những kiến thức được giảng dạy trong các môn Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân ở các trường trung học của Nhật.

Điểm đậu kỳ thi EJU

Tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia ở Việt Nam, kỳ thi EJU không có khái niệm “đậu” và “rớt”. Nếu điểm thi của bạn càng cao, thì tỷ lệ đỗ vào các trường đại học, cao đẳng mà bạn mong muốn ở Nhật càng tăng lên.

Mỗi trường sẽ đặt ra tiêu chí điểm đầu vào khác nhau. Nhưng nhìn chung, với những trường khó như Đại học Tokyo, hay Đại học Hitotsubashi, kết quả thi mỗi môn của bạn cần chiếm ít nhất 90% tổng số điểm.

Ngoài ra, ngưỡng điểm an toàn giúp bạn có thể đậu vào nhiều trường tầm trung ở Nhật là khoảng 50% – 60% trên tổng số điểm mỗi môn. Cụ thể:

  • Môn tiếng Nhật (phần đọc hiểu – nghe và đọc hiểu): ~ 200/400 điểm.
  • Môn tiếng Nhật (phần viết luận): 33/50 điểm.
  • Khoa học xã hội: 110/200 điểm.
  • Khoa học tự nhiên: Chọn 2 trong 3 hạng mục (lý, hóa, sinh), và mỗi hạng mục trên 50 điểm. Vậy trung bình là 100 điểm (cho 2 hạng mục kiểm tra).

Kết luận

Hiện nay, hầu hết các trường đại học lớn, công lập hoặc tư nhân ở Nhật đều thông qua kỳ thi EJU để tuyển sinh hàng năm. Nếu kết quả thi tốt, bạn còn có thể dùng để xin học bổng. Tỷ lệ thành công thường rất cao.

Vì vậy, hãy cố gắng dành nhiều thời gian ôn thi EJU, để hiện thực hóa giấc mơ du học và giảm gánh nặng tài chính cho gia đình bạn nhé!


この記事をシェアする


仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。

日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。

Arrow up Circle gradient