Rate this article:
2023.12.18
Sau thời gian dài sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, nhiều người nước ngoài có mong muốn ở lại đây định cư lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề khiến đa phần mọi người đều thắc mắc là nên đổi quốc tịch (nhập tịch) hay xin visa vĩnh trú Nhật Bản.
Điểm chung của hai hình thức này là đều cho phép người nước ngoài lưu trú tại Nhật không giới hạn thời gian, ngành nghề làm việc. Tuy nhiên, nhập tịch và vĩnh trú cũng có nhiều sự khác biệt. Cùng tìm hiểu để xác định lựa chọn phù hợp với bạn nhé!
Vĩnh trú là gì?
Vĩnh trú là quyền của người nước ngoài được cư trú lâu dài (trọn đời) tại Nhật Bản mà không bị giới hạn về thời gian lưu trú và ngành nghề làm việc. Ưu điểm nổi bật của visa vĩnh trú (永住権) là không cần phải xin gia hạn định kỳ mỗi 1, 3, 5 năm một lần như các loại visa thông thường khác.
Điều kiện xin visa vĩnh trú
Visa vĩnh trú sẽ được cấp cho những người lao động nước ngoài đáp ứng 3 điều kiện sau:
- Đạo đức tốt: Không vi phạm pháp luật, ngay cả những vi phạm luật giao thông nhỏ như chạy quá tốc độ, lái xe không có giấy phép,…
- Có đủ tài sản hoặc kỹ năng để kiếm sống độc lập: Mặc dù không có quy định về con số cụ thể, nhưng nhiều nguồn tin cho biết thu nhập cá nhân phải trên 300 man, mới có khả năng đậu visa vĩnh trú.
- Mang lại lợi ích cho Nhật Bản: Cư trú liên tục tại Nhật 10 năm trở lên, không làm gì hoặc bị bệnh truyền nhiễm gây nguy hại cho cộng đồng,…
Để tìm hiểu chi tiết hơn về những điều kiện này, bạn tham khảo bài viết “Điều kiện xin visa vĩnh trú Nhật Bản là gì?” của Minna No Tokugi nhé!
Nhập tịch là gì?
Nhập tịch (帰化) có thể hiểu đơn giản là người nước ngoài muốn thay đổi quốc tịch gốc của họ sang quốc tịch của đất nước khác. Nếu bạn quyết định nhập tịch Nhật Bản, thì bạn sẽ không còn là “người nước ngoài”, theo quy định của Cục xuất nhập cảnh, mà sẽ chính thức trở thành người Nhật.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn không cần quan tâm đến thời gian lưu trú khi đang sinh sống tại Nhật, cũng như có thể tự do quyết định về công việc, hôn nhân của mình mà không lo bị Chính phủ can thiệp.
Ngoài ra, bạn phải đổi tên sang tên tiếng Nhật và mang hộ chiếu Nhật. Khi bạn muốn đến Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, bạn phải làm thủ tục xin visa với tư cách là người Nhật.
Điều kiện xin nhập tịch
Theo Đạo luật Quốc tịch, bạn phải đáp ứng 6 điều kiện và thêm một điều kiện về năng lực tiếng Nhật để nộp đơn xin nhập tịch. Cụ thể:
- Điều kiện về địa chỉ: Người nộp đơn phải cư trú (có địa chỉ) liên tục ở Nhật Bản từ 5 năm trở lên. Đối với những người nước ngoài đang sở hữu visa lao động, bạn phải làm việc ở Nhật từ 3 năm trở lên, tính đến thời điểm nộp đơn.
- Phải từ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi theo quy định của pháp luật Nhật Bản và quốc gia quê hương của người đó: Đây là khả năng nhận thức, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý, và khả năng tự chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.
- Đạo đức tốt: Tuân thủ đúng quy định pháp luật, không dính tiền án, tiền sự (kể cả những vi phạm luật giao thông nhỏ), hoàn thành tốt trách nhiệm đóng thuế, phí bảo hiểm lương hưu,…
- Người nộp đơn (vợ/chồng họ) phải có đủ tài sản hoặc kỹ năng để tự kiếm sống độc lập: Khả năng tài chính sẽ được xem xét theo hộ gia đình. Những người còn phụ thuộc vào trợ cấp xã hội sẽ không đủ điều kiện xin nhập tịch.
- Không sở hữu nhiều quốc tịch: Nếu bạn muốn nhập tịch Nhật Bản, thì bạn phải từ bỏ quốc tịch gốc của mình hoặc bất kỳ quốc tịch thứ hai, thứ ba nào mà bạn đang có.
- Tuân thủ Hiến pháp Nhật Bản: Hiến pháp là cấp cao nhất của luật pháp Nhật Bản và các bộ luật khác cũng phải thi hành theo nội dung Hiến pháp. Do đó, bạn phải cam kết tuân thủ kể cả luật dân sự, hình sự, hay Hiến pháp.
Năng lực tiếng Nhật (nghe, nói, đọc, viết) tốt: Dù không được quy định rõ ràng trong Đạo luật Quốc tịch, nhưng bạn bắt buộc phải có trình độ tiếng Nhật ở mức cần thiết để không gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Sự khác biệt giữa vĩnh trú và nhập tịch
Khác biệt cơ bản nhất giữa vĩnh trú và nhập tịch là:
- Đối với vĩnh trú: Bạn có thể sống ở Nhật vĩnh viễn với tư cách người nước ngoài, trong khi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam của mình. Vì vậy, tư cách vĩnh trú phù hợp cho những ai muốn trở về quê hương trong tương lai, hoặc thường xuyên về quê vì công việc hoặc các mục đích khác.
- Đối với nhập tịch: Bạn sẽ trở thành người Nhật và buộc phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam của mình. Do đó, nếu dự định sống ở Nhật đến hết đời, thì bạn nên nhập tịch.
Ngoài ra, một số điểm khác biệt nữa giữa hai tư cách lưu trú này là:
-
Nơi nộp đơn xin
Như các bạn đã biết, visa vĩnh trú dành cho người nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản. Do đó, bạn có thể nộp đơn xin vĩnh trú tại các văn phòng chi nhánh của cơ quan này hoặc Cục quản lý xuất nhập cảnh khu vực.
Ngược lại, về bản chất, việc xin nhập tịch chỉ đơn giản là tạo sổ hộ khẩu mới cho người Nhật, và Bộ Tư pháp sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Do đó, các đơn đăng ký xin nhập tịch sẽ gửi về Cục pháp vụ.
-
Giấy tờ cần thiết
Đối với đơn xin vĩnh trú, bạn sẽ phải nộp những giấy tờ chứng nhận cho thấy thu nhập, tình trạng đóng thuế và chi trả bảo hiểm lương hưu tại Nhật,… của bạn là đủ điều kiện. Những giấy tờ này có thể lấy tại cơ quan hành chính ở Nhật.
Ngoài ra, một số giấy tờ khác có thể được yêu cầu bao gồm: chứng nhận quan hệ hôn nhân với vợ/ chồng và cha mẹ, giấy khai sinh của con cái người nộp đơn,…
Đối với đơn xin nhập tịch, bạn phải chuẩn bị nhiều giấy tờ hơn xin vĩnh trú, nhằm chứng minh danh tính của mình. Đó là các giấy tờ cho thấy mối quan hệ với cha mẹ, anh chị em, đăng ký kết hôn, hồ sơ nhận con nuôi hoặc giấy khai sinh của con (ruột),… Do đó, việc này có thể đòi hỏi bạn phải bỏ thời gian để về quê thu thập các tài liệu cần thiết.
-
Thu hồi cấp phép/trục xuất
Lưu ý vĩnh trú cũng chỉ là một tư cách lưu trú, và bạn vẫn là người nước ngoài tại Nhật Bản. Do đó, nếu phạm tội lớn và đi tù, bạn có thể sẽ bị trục xuất về nước.
Ngược lại, nếu bạn đã nhập tịch Nhật Bản, thì Chính phủ sẽ không trục xuất bạn, nhưng sẽ xử lý bạn theo quy định pháp luật nếu bạn phạm tội.
-
Giấy phép tái nhập cảnh
Người có tư cách vĩnh trú phải xin giấy phép tái nhập cảnh trước khi ra nước ngoài nếu vẫn muốn nhập cảnh lại vào Nhật Bản. Ngoài ra, khi đến thời hạn mà không tái nhập cảnh, bạn có thể mất tư cách vĩnh trú vĩnh viễn.
Mặt khác, nếu bạn đã là người Nhật, thì dù ra nước ngoài bao lâu, bạn vẫn có thể quay lại Nhật Bản.
Kết luận
Cả tư cách vĩnh trú và nhập tịch đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Do đó, hãy cân nhắc cẩn thận tùy vào kế hoạch tương lai và mong muốn của bạn trước khi đưa ra quyết định đăng ký. Đặc biệt, đối với việc nhập tịch, một khi đã lựa chọn, bạn sẽ rất khó khôi phục lại quốc tịch gốc của mình.
Để tìm hiểu thêm về các thông tin hữu ích tại Nhật Bản, đừng bỏ lỡ những bài viết của Minna No Tokugi tại đây nhé!
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad