Rate this article:
2023.10.31
Nếu từng sử dụng nhà vệ sinh ở những nơi công cộng như trung tâm thương mại, sân vận động, sân bay của Nhật, bạn chắc hẳn đã rất bất ngờ về sự sạch sẽ và hiện đại của nó. Dù luôn phục vụ một lượng lớn người, nhưng hiếm khi nào, khách hàng phải chịu đựng mùi hôi, hay một mẩu rác nhỏ bên trong nhà vệ sinh.
Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng “Toilet” lại được công nhận như nét văn hóa tiêu biểu, đại diện cho Nhật Bản. Nó không chỉ thể hiện sự tinh tế của người dân xứ “mặt trời mọc” mà còn là kết tinh của công nghệ tiên tiến không đất nước nào “sánh” kịp. Trong bài viết này, cùng Mintoku Work tìm hiểu những điều thú vị về nhà vệ sinh ở Nhật nhé.
1. Những cách gọi “nhà vệ sinh” trong tiếng Nhật
Với những người thân thiết như gia đình, bạn bè, người Nhật có thể thoái mái nói ちょっとトイレ (chotto toire – đi vệ sinh một lát). Nhưng với những mối quan hệ xã giao, họ thường rất ý tứ và dùng cách nói gián tiếp để biểu thị việc muốn đi vệ sinh như 食事の前に手を洗いに行ってきますね (Shokuji no mae ni te wo arai ni ittekimasu ne – Trước khi ăn, tôi đi rửa tay đã nhé).
Do đó, nhiều nơi công cộng cũng không viết rõ trên biển hướng dẫn là “Nhà vệ sinh”, mà dùng những từ như “Phòng trang điểm” hoặc “Nơi rửa tay” cho lịch sự hơn. Dưới đây là các từ tiếng Nhật thông dụng để bạn tham khảo:
- トイレ (Toire): Nhà vệ sinh
- お手洗い hoặc おてあらい (Otearai): Nhà vệ sinh
- 化粧室 hoặc けしょうしつ (Keshoshitsu): Phòng trang điểm (dành cho nữ giới)
- 便所 hoặc べんじょ (Benjo): Hố tiêu (dành cho nam giới)
- 御不浄 hoặc ごふじょう (Gofujo): Phòng rửa tay, nhà vệ sinh
- Lavatory: Bồn cầu xả nước
- Restroom: nhà vệ sinh công cộng (thường thấy ở khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng,…)
- W.C
- Toilet
2. Các kiểu nhà vệ sinh ở Nhật
Có 3 kiểu nhà vệ sinh thường thấy ở Nhật. Đó là:
- Nhà vệ sinh kiểu Nhật: là loại bồn cầu xí bệt truyền thống, đã có từ lúc công nghệ chưa phát triển, và hiện nay, chỉ còn tìm thấy tại một số nhà vệ sinh công cộng, điểm tham quan, hoặc các tòa nhà cũ.
- Nhà vệ sinh kiểu Tây: phổ biến nhất trong số 3 loại, và xuất hiện nhiều ở nơi công cộng, cũng như trong gia đình người Nhật.
- Nhà vệ sinh đa chức năng: phù hợp cho mọi đối tượng, nhưng ưu tiên phục vụ những người đi xe lăn, trẻ em, người phải sử dụng hậu môn nhân tạo,…
- Bồn tiểu: dành cho nam giới, có chức năng tự động làm sạch mà không cần chạm nút, đảm bảo sự sạch sẽ và thoải mái nhất.
3. Các loại nút bấm điều khiển
Khác với Việt Nam, đa số nhà vệ sinh ở Nhật thiết kế hệ thống nút điều khiển gắn trên tường (xem hình). Thông thường, bạn có thể tìm thấy hệ thống này ở phía trên nơi đặt giấy vệ sinh, hoặc nhìn ngang qua phía bên trái/phải từ vị trí ngồi bồn cầu.
Tuy nhiên, cũng có một số ít nhà vệ sinh ở Nhật trang bị bộ điều khiển nút bấm gắn liền với bồn cầu, cũng có chức năng và cách dùng tương tự như hệ thống gắn tường (xem hình).
Ngoài ra, đối với những ai mới sang Nhật, hệ thống nút bấm đa dạng trong nhà vệ sinh có thể gây ra một số bất tiện khi sử dụng. Do đó, hãy tham khảo tên gọi và chức năng của những nút cơ bản bên dưới.
- 流す (Nagasu): Xả nước.
- 止 (Tomeru): Dừng (thường dùng để tắt nước sau khi rửa).
- おしり (Oshiri): Rửa phía sau.
- ビデ (Bidet): Rửa phía dưới (chủ yếu dành cho phái nữ).
- 音 (Oto): Âm thanh (nhằm át đi những “tiếng” phát ra trong phòng vệ sinh).
- 音量 (Onryo): Âm lượng (dùng điều chỉnh độ to nhỏ của âm thanh phát ra).
- 水勢 (Suisei): Cường độ nước (để điều chỉnh độ mạnh yếu của nước theo ý thích khi rửa và vệ sinh).
4. Các thiết bị trong nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh ở Nhật còn có các thiết bị tiện ích sau:
- Vòi nước tự động (自動水栓): Bạn có thể lấy xà phòng và nước để rửa tay ngay tại vòi mà không cần ấn nút.
- Máy sấy tay (ハンドドライヤー): Hãy sử dụng thiết bị này để hong khô tay sau khi rửa. Chỉ cần đưa tay lại gần, gió sẽ tự động thoát ra.
5. Cách dùng vòi xịt đúng
Có thể nói vòi xịt rửa là một trong những phát minh hiện đại, mang đến trải nghiệm độc đáo nhất cho người dùng ở Nhật Bản. Bạn có thể sử dụng cả chức năng rửa phía sau (おしり) để vệ sinh sau khi đi đại tiện, và chức năng rửa phía dưới (ビデ), chuyên dùng để vệ sinh vùng kín dành cho nữ giới.
Ngoài ra, bạn còn có thể tùy chỉnh mức độ mạnh/yếu của vòi xịt bằng nút cường độ nước (水勢), để tránh làm rát da hoặc dùng chức năng tiết kiệm điện (節電). Sau khi vệ sinh xong, đừng quên nhấn nút vệ sinh vòi xịt (ノズルそうじ) cho sạch sẽ nhé.
6. Thiết bị phát âm thanh
Nếu ngại những âm thanh “kỳ lạ” phát ra trong lúc đi vệ sinh, bạn ấn nút 音 (âm thanh) để át tiếng đi cho thanh lịch hơn. Nhưng cũng có thiết bị phát âm thanh cảm ứng, bạn chi cần đưa tay lên, là máy tự động hiểu và phát.
7. Cài đặt nhiệt độ nước
Nhiều bồn vệ sinh ở Nhật có chức năng rửa bằng nước ấm và làm ấm bệ ngồi. Bạn thao tác bằng cách ấn nút trên bảng điều khiển gắn tường hoặc bên cạnh bồn cầu. Nút 温水温度 là “nhiệt độ ấm” của nước rửa từ vòi xịt và 便座温度 là nhiệt độ bồn cầu giúp người dùng không bị lạnh mông vào những ngày đông lạnh.
8. Cách xả nước trong nhà vệ sinh của Nhật
Thực tế, mỗi kiểu nhà vệ sinh ở Nhật sẽ có cách xả nước khác nhau. Nếu là bồn cầu có thùng chứa nước, bạn phải gạt cần gạt kế bên thùng. Còn nếu đó là loại bồn không lắp đặt thùng chứa nước, bạn dùng cần gạt phía sau bồn vệ sinh.
Bên cạnh đó, cũng có những bồn cầu xả nước bằng nút hoặc cần gạt trên tường, bằng cách cảm ứng bàn tay. Đối với nhà vệ sinh hiện đại hơn, thì bồn cầu sẽ tự động xả nước luôn sau khi bạn ngưng sử dụng.
Nếu bạn được chọn mức độ xả nước, hãy nhấn nút lớn (大) khi đi đại tiện và nhấn nút nhỏ (小) khi đi tiểu tiện, để tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường nhé!
9. Nút gọi khẩn cấp
Thông thường, ngay bên cạnh nút xả nước là nút gọi khẩn cấp (呼出), bạn có thể ấn nếu đột nhiên cảm thấy không khỏe trong lúc dùng nhà vệ sinh, hoặc dành cho người khuyết tật. Nút này nên lưu ý khi sử dụng, bởi vì nếu bạn ấn nhầm, thì có thể sẽ gây phiền phức cho người khác.
10. Lưu ý khi đi vệ sinh ở ngoài đường
Nếu bạn đột nhiên muốn đi vệ sinh khi đang ở trong thành phố, thì phải làm sao? Chắc hẳn, đây là thắc mắc chung của nhiều người. Trên thực tế, lựa chọn phổ biến và tối ưu nhất là đi vệ sinh ở các nhà ga, bởi vì tất cả nhà ga đều cung cấp nhà vệ sinh.
Nhưng có khả năng nhà vệ sinh sẽ nằm bên trong cổng soát vé. Do đó, hãy trao đổi với nhân viên nhà ga trước, để đi vệ sinh mà không cần mua vé. Ngoài ra, ở các trung tâm mua sắm hoặc cửa hàng tiện lợi, bạn cũng có thể tìm thấy nhà vệ sinh. Nhưng một số cửa hàng tiện lợi có thể không cho phép khách dùng nhà vệ sinh, nhằm tránh tình trạng có người say rượu, phá hoại của công.
Một cách khác nữa là tìm nhà vệ sinh công cộng (phí 100 Yên mỗi lượt). Tuy nhiên, số lượng nhà vệ sinh công cộng ở Nhật đã giảm xuống trong những năm gần đây, nên cũng khá khó tìm.
Lời kết
Quả thật, nhờ công nghệ hiện đại và sự sạch sẽ, nên nhiều người thích sử dụng nhà vệ sinh ở Nhật. Tuy nhiên, với những ai chưa thông thạo tiếng Nhật, thì rất dễ ấn nhầm nút, dẫn đến những trải nghiệm “xấu hổ”.
Do đó, hãy chú ý học nhiều từ vựng liên quan đến nhà vệ sinh ở Nhật để thoải mái vui chơi nơi công cộng mà không lo lắng gì nhé!
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad