Rate this article:
2023.10.27
Tương truyền, dưới thời Mạc phủ Kamakura (thế kỷ 12 – 17), các Samurai đã biết tắm suối nước nóng để chữa lành vết thương. Khoáng chất từ dòng suối tinh khiết tự nhiên có tác dụng trị bệnh rất diệu kỳ.
Vậy nên, từ hàng ngàn năm nay, tắm “onsen” hay tắm suối nước nóng dần trở thành nét văn hóa quen thuộc trong cuộc sống của người dân xứ “phù tang”.
Nếu có dịp trải nghiệm, đừng bỏ qua những bí quyết tắm “onsen” chuẩn phong tục, tập quán của người Nhật dưới đây nhé.
Tắm “onsen” là gì?
“Onsen” trong tiếng Nhật có nghĩa là suối nước nóng, nhưng đôi khi dùng để chỉ các Ryokan (quán trọ truyền thống) xung quanh suối. Nằm ở khu vực nhiều núi lửa hoạt động, Nhật Bản có đến 3000 đơn vị “onsen” trải dài trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, để được công nhận là “onsen” theo Đạo luật Suối nước nóng Nhật Bản, nước khoáng nóng đó phải có nhiệt độ ít nhất là 24 °C, và đặc biệt hơn nước thường ở chỗ bắt nguồn từ độ sâu 1.5 km dưới lòng đất, nên chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe, như lưu huỳnh, sắt, magie,…
Người dân xứ “mặt trời mọc” cho rằng tắm “onsen” tốt nhất là khi ở trên núi cao, hoặc những khu tắm ngoài trời với nước nóng thiên nhiên.
Ngâm mình trong nước nóng giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp cũng đã được chứng minh là liệu pháp thư giãn, giảm căng thẳng hiệu quả.
Văn hóa tắm “onsen”
Thay đồ
Các phòng tắm tại Nhật (Sento) thường chia khu vực thay đồ theo giới tính. Rèm xanh là nơi dành cho nam, có in chữ kanji (男, otoko). Còn rèm đỏ cho nữ, và in chữ 女, onna. Về nguyên tắc, du khách phải khỏa thân khi tắm suối nước nóng và chỉ được phép mang theo một chiếc khăn tắm nhỏ. Quần áo, và các món đồ có giá trị có thể cất trong giỏ hoặc tủ khóa bên ngoài phòng tắm.
Nếu không tự mang theo khăn tắm đến các nhà tắm công cộng, bạn có thể thuê hoặc mua với giá vài trăm yên. Tuy nhiên, các ryokan hoặc khách sạn cung cấp khăn miễn phí tại phòng hoặc trong bồn tắm.
Hai loại khăn tắm được sử dụng phổ biến là: khăn tắm nhỏ – dùng bên trong bồn tắm để lau người nhẹ nhàng, che thân khi di chuyển, và khăn tắm lớn – đặt trong phòng thay đồ, dùng để lau khô người sau khi tắm.
Tắm trước khi bước xuống suối
Với người Nhật, suối nước nóng là nơi linh thiêng. Vì vậy, mọi người thường có ý thức giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Theo phong tục, những người tắm sẽ phải gội đầu và rửa sạch cơ thể trước khi bước xuống suối hoặc bồn tắm nước nóng.
Thông thường, có một khu vực tắm vòi sen riêng, cho phép du khách dùng ghế đẩu và xô để gội đầu. Nhưng nhớ lịch sự trả lại chúng về vị trí ban đầu sau khi dùng xong và tránh làm bắn nước vào những người xung quanh bằng vòi sen.
Tắm “onsen”
Tham khảo một số quy tắc dưới đây để tắm “onsen” thoải mái theo đúng phong tục truyền thống:
- Nước tắm thường rất nóng (khoảng 40 đến 44 độ C). Vì vậy, những người không quen nên bước xuống suối thật chậm và hạn chế di chuyển nhiều.
- Dù được phép mang khăn nhỏ vào nơi tắm chung, nhưng bạn chỉ nên đặt bên cạnh bồn hoặc gấp lại và đội lên đầu.
- “Onsen” là nơi để thư giãn, không phải té nước hay lặn. Hạn chế việc nói to, bơi ngập đầu, hoặc thả tóc xuống nước. Do đó, ai có mái tóc dài thì nên buộc gọn lại.
- Nhớ nghỉ giải lao sau khi ngâm mình trong thời gian dài. Tránh việc dựa lưng vào thành bồn tắm vì chiếm chỗ và những người khác có thể sẽ tựa đầu vào đó.
- Không uống rượu trong suối nước nóng để đảm bảo an toàn cho bản thân và tránh làm phiền người xung quanh.
- Không nên nhìn mọi người khi ở trong bồn tắm chung.
- Lưu ý nhiều cơ sở tắm công cộng cấm người xăm hình.
- Sau khi ngâm mình xong, đừng tắm lại bằng nước máy, để khoáng chất trong nước suối nóng có thời gian phát huy hết tác dụng trong cơ thể.
- Sử dụng chiếc khăn nhỏ của bạn để lau khô người trước khi vào lại phòng thay đồ để giữ cho sàn khô ráo. Sau đó, bạn có thể lau thêm ở phòng thay đồ bằng khăn tắm lớn.
Làm sạch cơ thể không phải là mục đích chính của việc tắm suối nước nóng , đặc biệt nếu tắm nhiều lần trong ngày. Ngược lại, ngâm mình trong làn nước tinh khiết với các khoáng chất từ “đất mẹ” giúp trị liệu một số bệnh tự nhiên.
Lời khuyên tắm “onsen” tốt cho sức khỏe
Tuy tắm “onsen” mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu lạm dụng nó thì “hại nhiều hơn lợi”, đặc biệt là những người bị huyết áp cao. Hấp thụ một lượng lớn nhiệt từ nước nóng trong thời gian dài sẽ gây mệt mỏi. Vì vậy, chỉ nên ngâm mình tối đa 15 đến 20 phút mỗi lần tắm.
Sau đó, cần nghỉ ngơi thường xuyên để hạ nhiệt. Lưu ý không nên tắm ngay sau bữa ăn, uống nhiều nước trước và sau khi tắm, nhưng cần tránh xa đồ uống có cồn vì dễ gây mất nước.
Hơn nữa, bồn tắm nước nóng thường có sàn trơn trượt, thậm chí một số suối nước nóng còn mờ sương, và khiến khách bị hụt chân khi bước đi dưới nước. Vì vậy, nên bước vào bồn tắm từ từ và cẩn thận khi di chuyển xung quanh để tránh bị trượt ngã.
Lời kết
Người Nhật không chỉ xem việc tắm suối nước nóng như liệu pháp hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần, mà đây còn là dịp thú vị để gắn kết tình bạn thân thiết hơn. Cũng bởi người ta tin rằng con người là bình đẳng như nhau khi họ trút bỏ hết quần áo, và lúc đó, họ chẳng thể che giấu nhau điều gì. Vậy nên, đừng ngại gì mà không rủ bạn bè đi tắm suối nước nóng nhé!
仕事探しから帰国まで、 専属のコンシェルジュがあなたをサポート。
日本 ネイティブの専属コンシェルジュがあなたを最後までサポートいたします。
Max
Reny
Mochamad